Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng.
Lào Cai là một trong những điểm nóng của tội phạm mua bán người. Vì vậy, tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng đến công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đồng thời phối hợp với các tổ chức, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho bà con.
Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Chị L.V (sinh năm 1996) trú tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bị mua bán sang Trung Quốc để làm vợ của một người Trung Quốc đã có tuổi và bị khuyết tật. Trong thời gian sống tại Trung Quốc, chị tìm được thông tin của bố mẹ ruột qua mạng và nhờ bạn xác minh, sau đó trở về Việt Nam năm 2022.
Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ địa phương, các đoàn thể, gia đình… chị L.V đã ổn định tâm lý, hòa nhập cộng đồng. Chị dự định mở quán ăn nhỏ để kiếm sống song gặp không ít khó khăn vì thiếu vốn, phải vay mượn từ bạn bè, người thân nhưng chưa đủ...
Triển khai các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, chiều 27/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và phát triển đã tổ chức thăm, trao gói hỗ trợ sinh kế gồm các dụng cụ, thiết bị để bán hàng ăn như nồi nấu phở, bếp ga công nghiệp, tủ đông, qua đó giúp chị L.V sớm ổn định cuộc sống.
Chị L.V là một trong số các thân chủ bị mua bán được thụ hưởng tại Dự án "Cung cấp gói hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân di cư dễ bị tổn thương và người bị mua bán trở về" do Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Mục tiêu của dự án hướng đến hỗ trợ cho tối thiểu 85 nạn nhân là người di cư dễ bị tổn thương và người bị mua bán trở về thông qua việc cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ về y tế, sinh kế, trang thiết bị... giúp mang lại lợi ích cho từng cá nhân và gia đình, góp phần tạo thu nhập và hoà nhập, phát triển bền vững cho người hưởng lợi.
Truyền thông phòng, chống mua bán người tại phiên chợ vùng cao
Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người, Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 tại tỉnh Lào Cai, sáng 28/7, Trung tâm Phụ nữ và phát triển phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bắc Hà tổ chức hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người tại phiên chợ vùng cao Bắc Hà.
Truyền thông về phòng, chống mua bán người tại phiên chợ vùng cao Bắc Hà nhằm cung cấp thông tin về tình hình mua bán người; những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm mua bán người và đặc biệt là giới thiệu về dịch vụ miễn phí của Ngôi nhà Bình yên để bà con có thể liên hệ, tìm sự hỗ trợ khi cần.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: “Thời gian qua, nước ta đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống mua bán người và được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra khá phức tạp.
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, được che giấu dưới nhiều hình thức. Hơn thế nữa, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thay vì tiếp cận và làm quen với nạn nhân trực tiếp, các đối tượng phạm tội tăng cường sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, làm cho việc truy tìm tội phạm thêm khó khăn.
Đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán. Với sự phát triển của công nghệ khiến trẻ em tiếp tục trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới".
Bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực ứng phó với vấn đề mua bán người như: Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú; Tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ; Tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ.
Để ngăn ngừa tội phạm mua bán người, đặc biệt là nạn mua bán trẻ em, đề nghị bà con quan tâm, chăm lo hơn nữa đến con cháu mình; luôn đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn của những kẻ buôn người. Nếu muốn tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập tốt, bà con cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống như từ chính quyền và các hội đoàn thể tại địa phương, tránh rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao".
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Minh Hương khuyến cáo bà con phát hiện bản thân mình hay những người khác có dấu hiệu bị lừa gạt mua bán, hãy liên hệ với Tổng đài 1900969680 hoặc báo cáo với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời.