Nhiều dòng sông của Hà Nội chết dần

Trước tiên là 4 con sông trong khu vực nội đô cũ của TP Hà Nội gồm: Sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch. Từ lâu do thiếu nguồn cung cấp nước tự nhiên, những dòng sông này dần trở thành kênh thoát nước thải cho các hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân nên ngày càng trở lên ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo kháo sát của PV VietNamNet vào những ngày đầu tháng 12/2023, cả 4 dòng sông này ngày càng ô nhiễm trầm trọng, nhiều đoạn sông nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, bọt nổi trắng xóa khiến người dân ai cũng cảm thấy rùng mình. Do không tách được nước thải với nước mặt (nước mưa) nên các dòng sông này giờ đây bị biến thành các kênh thoát nước thải.

Sông Cau Bay
.jpg
Nước sông Cầu Bây ô nhiễm, hôi thối và sủi bọt. 

Trong đó, sông Tô Lịch có chiều dài lớn nhất (14,6km) đang trở thành trục tiêu thoát nước chính phía Tây của các quận nội thành Hà Nội, khi chảy qua 6 quận, huyện là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Mỗi ngày sông Tô Lịch đang phải oằn mình tiếp nhận hàng trăm nghìn m3 nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả trực tiếp xuống sông.

Không khá khẩm hơn, lại nằm sâu trong nội thành và có dòng chảy ngắn hơn, 3 con sông: Lừ, Sét, Kim Ngưu cũng có số phận hẩm hiu tương tự khi phải hứng chịu lượng nước thải khổng lồ đổ xuống. Không chỉ nước thải, nhiều đoạn sông bị người dân vứt rác bừa bãi xuống dòng sông khiến vệ sinh môi trường ở những khu vực này thực sự báo động, uy hiếp sức khỏe của người dân. Thậm chí có nơi, lượng rác và bùn thải tích tụ biến thành nơi trú ngụ của chuột bọ, ruồi muỗi…

Mở rộng ra vùng ngoại vi, các dòng sông khác khi đón nhận nước sông từ 4 con sông kể trên cũng bị uy hiếp nặng nề và rơi vào ô nhiễm ngày một trầm trọng. Ví dụ, khu vực phía Tây thành phố phải kể đến các con sông như: Sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích; phía Bắc thành phố là sông Ngũ Huyện Khê; phía Đông là sông Cầu Bây… Lí do ô nhiễm không mới, đó là nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu công nghiệp và từ hoạt động của các làng nghề chưa qua xử lý đổ thẳng xuống sông.

Hồi sinh bất khả thi nếu…

Để làm sạch các sông khu vực phía Tây, TP Hà Nội đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng, có công suất 270.000 m3/ngày đêm), cùng hệ thống thu gom nước thải công nghiệp, sinh hoạt của người dân (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông) với tổng chiều dài khoảng 52,62 km đưa về nhà máy Yên Xá xử lý, để các dòng sông chỉ có nhiệm vụ tiêu thoát nước mặt (nước mưa). Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2023 các hạng mục của dự án vẫn chậm tiến độ, nếu sớm thì năm 2024 nước sông Tô Lịch mới được “cứu”.

Trong khi đó, sông Nhuệ, sông Đáy thì vẫn ngày một ô nhiễm và chưa có hướng xử lý. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lưu vực sông Nhuệ đang phải hứng chịu tới khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó có 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện) và 586 nguồn thải từ các làng nghề ven sông. Tình trạng ô nhiễm nặng nề cũng diễn ra tương tự với sông Đáy. Nói không quá nhiều đoạn của 2 tuyến sông này đã trở thành "dòng sông chết" vì ô nhiễm nặng nề.

Nhích sang phía Đông, sông Cầu Bây hứng chịu nước thải từ 3 Khu công nghiệp: Sài Đồng A và B, Đài Tư cùng hàng trăm nghìn m3 nước thải sinh hoạt mỗi ngày của người dân nên cũng đang thực sự là nỗi ám ảnh. Thực tế, nếu các dòng sông kể trên không có Nhà máy xử lý nước thải, không có hệ thống cống thu gom nước thải chạy “song song” với các tuyến sông kể trên (tác nước thải khỏi nước mặt của sông) thì tình trạng ô nhiễm sẽ không thể giải quyết. Đơn cử, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở dù đã xây xong nhưng nước sông Kim Ngưu ra sao hẳn mọi người đã rõ.

Được biết, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý của thành phố mới đạt 28,8%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55%. Như vậy, nếu không gấp rút xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, không xây dựng được hệ thống cống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống thoát nước mặt thì hy vọng hồi sinh các dòng sông sẽ đi vào ngõ cụt, thậm chí bất khả thi.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV