Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2019 và định hướng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 cho biết, thời gian qua, các cấp từ Trung ương đến huyện đều nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án, theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên đã bám sát nhiệm vụ được giao, nêu cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực, phương pháp luận cho đội ngũ cán bộ, công chức xã.
Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025” |
Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm và theo từng giai đoạn đến năm 2020, có phân công cụ thể cho các ngành chức năng thực hiện.
12 đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc 10 Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc tổ chức biên soạn, nghiệm thu, trình Bộ chủ quản ký, ban hành 26 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong giai đoạn 2010 - 2015 và 25 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu giai đoạn 2016 - 2020 cho từng đối tượng cán bộ, công chức xã.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan ban hành được bộ tài liệu bồi dưỡng hoàn chỉnh cho toàn bộ các chức danh cán bộ, công chức xã. Nhìn chung, các chương trình, tài liệu bồi dưỡng đã đạt yêu cầu đề ra, cơ bản đảm bảo đúng nhu cầu bồi dưỡng của vị trí việc làm, dễ tiếp thu và phù hợp với thực tế ở địa phương. Nội dung bồi dưỡng mỗi khóa học đều kết hợp giữa học tập lý thuyết và làm bài tập tình huống, trao đổi ý kiến, thảo luận nhóm, thuận lợi cho các học viên trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các giảng viên.
Giai đoạn 2016 - 2020, sau khi Bộ Nội vụ hoàn thành việc chuyển giao 25 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu, các địa phương tập trung vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho công chức xã. Phương pháp, hình thức, thời gian tổ chức bồi dưỡng nhìn chung được cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực với điều kiện tình hình công tác của cán bộ, công chức ở địa bàn cơ sở, giúp cán bộ, công chức nhận thức, nắm bắt, tháo gỡ, xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Hầu hết số cán bộ, công chức cấp xã sau bồi dưỡng chuyên sâu đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp thực hiện nhiệm vụ ngày càng được nâng lên rõ rệt. Kết quả bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Công tác kiểm tra, giám sát về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đã được Bộ Nội vụ và các cơ quan cấp tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện, bảo đảm quản lý và sử dụng kinh phí.
Bài: Nguyễn Thu Hà - nhóm PV
Ảnh: Đinh Thị Ánh Tuyết - nhóm PV