- Hiếm có người phụ nữ nào đạt nhiều danh hiệu và các giải thưởng cao quý nhất như chị Ba Sương. Nông trường Sông Hậu, nơi chị gắn bó cả tuổi xuân, từng được coi là điển hình của thời kỳ chuyển đổi mô hình kinh tế...
- Hồi ấy, chị là người nổi tiếng ăn nói thẳng quá, chị không sợ người ta mất lòng, thù oán à?
Chị nghĩ, nói phải đúng, phải trúng thì mới giải quyết được công việc. Mình phải, chẳng có gì phải sợ cả…
Hoạt động sản xuất tại nông trường Sông Hậu |
Còn nhớ, tại cuộc họp của Chính phủ với các Tổng công ty 90, 91, chị đã “mắng vốn” ngành điện lực như sau: “Tôi đầu tư nhà máy chế biến ở vùng sâu, hỏi ông điện lực, ông điện lực nói, yên tâm đi, chúng tôi sẽ kéo điện về cho. Nông trường chúng tôi tin ông, vay vốn đầu tư. Hoàn thành đã 3 năm nay mà điện chưa có, các ông làm ăn như vậy phải là giết người không? Tôi nói thiệt, nếu xóa độc quyền, con ruồi cũng không thèm đậu vào ông điện lực chứ đứng nói gì tụi tôi!”.
Có đại biểu tham gia nói nhỏ: “Bà Ba Sương “chửi” điện lực hay nhất!”.
- Giờ nếu được trở lại, chí có dám nói mạnh như vậy nữa không?
(Cười). Chắc cũng vẫn nói mạnh vậy thôi. Tính chị không chịu được tính giả dối, qua loa, hứa cho qua chuyện, vô trách nhiệm với tập thể, với đất nước.
Chị biết, nói mạnh quá sẽ gây thù chuốc oán nhưng chị tin tưởng ở chính nghĩa, lẽ phải….
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm nông trường Sông Hậu |
Nông trường Sông Hậu sinh ra trên vùng đất sình lầy, ngập phèn nặng, hoang hóa. Gần như các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đều đã về thăm.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã thốt lên: “Chủ nghĩa xã hội là đây!”…
- Theo chị, mô hình của nông trường Sông Hậu lúc bấy giờ đã đạt được những mục tiêu gì tiêu biểu cho mô hình chủ nghĩa xã hội?
Đó là vấn đề an sinh xã hội ở nông trường mang dấu ấn của chủ nghĩa xã hội. Nông trường lo, nói chính xác là bao cấp, trường học, bệnh viện cho con em nông trường viên và mọi thành viên nông trường.
Nông trường làm thay chức năng quản lý Nhà nước, lo điện, đường, giao thông nông thôn và các tổ chức đoàn thể trong nông trường.
Trong sản xuất, nông trường đứng ra tổ chức, cung cấp vốn, kỹ thuật, vật tư, bao tiêu sản phẩm. Nông trường viên là những bà con nông dân nghèo, không đất đai về đây.
Nông trường khai hoang đất rồi giao khoán cho họ làm. Trên 7.000 ha đất này là cuộc sống của 3.200 hộ gia đình nông dân được đổi đời cùng nông trường.
Từ năm 1979, năm thành lập nông trường cho tới năm 2004, ngoài nộp ngân sách cho Nhà nước, còn lại lợi nhuận đều lo cho nông trường viên…
Con em nông trường viên đi học được nông trường lo. Học mẫu giáo được cấp gạo ăn, học cấp I, II, III khỏi đóng học phí xây dựng trường lớp, em nào học giỏi còn có học bổng.
Con em nông trường viên vào học trung cấp, cao đẳng, đại học được cấp 16 kg gạo/tháng. Em nào học giỏi được cấp thêm 200.000 đồng/tháng, học khá 150.000 đồng/tháng, học trung bình 100.000 đồng/tháng.
Năm 2004, Nhà nước thành lập đơn vị hành chính cấp xã trên nông trường, lúc đó, Nhà nước mới gánh bớt trách nhiệm cho nông trường. Nhà nước đầu tư trả lương cho thầy cô giáo, cấp kinh phí cho y tế, giao thông v.v… như ở các đơn vị cấp xã khác.
Tuy nhiên, nông trường vẫn còn hỗ trợ thêm cho các đoàn thể như Hội nông dân, Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh…
- Thưa chị, nông trường Sông Hậu bản chất là một doanh nghiệp nhưng lại lo được an sinh xã hội như nhà nước. Nhiều nông trường khác trên cả nước thời gian ấy đã phải thua lỗ, giải thể như một xu hướng tất yếu khi chuyển đổi cơ chế, nhưng nông trường Sông Hậu không những vượt qua xu hướng đó, mà còn trở thành điển hình vang dội trong và ngoài nước. Nông trường Sông Hậu thực sự đã trở thành mô hình độc đáo có một không hai ở nước ta. Theo chị, có bí quyết hay phương pháp gì không?
Bà Trần Ngọc Sương nổi tiếng là người thẳng tính - Ảnh: Duy Chiến. |
Bản thân chị tự đánh giá về nông trường có thể không khách quan. Cho nên, chị nghĩ nếu muốn tìm hiểu thì có rất nhiều tài liệu, sách viết về nông trường rồi.
Trong những năm ấy, có rất nhiều hội nghị điển hình từ cấp tỉnh đến Trung ương về mô hình nông trường Sông Hậu. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến nông trường Sông Hậu và cơ cấu tổ chức của nông trường với mong muốn có thêm nông trường như Sông Hậu nữa.
Rất nhiều đoàn tham quan từ các địa phương, Bộ, ngành đã về đây tìm hiểu, nghiên cứu. Rất nhiều tài liệu nghiên cứu đã đúc kết kinh nghiệm, bài học thành công của nông trường rồi.
- Gần như lãnh đạo Đảng, Nhà nước các nhiệm kỳ đều về nông trường sông Hậu, chị còn nhớ những chỉ đạo và kỷ niệm sâu sắc gì không?
Một trong nhưng lãnh đạo cao cấp đầu tiên về thăm nông trường là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Lúc ấy chị còn là sinh viên Đại học Cần Thơ. Chị nghe kể lại những ngày đại tướng về thăm nông trường hãy còn hoang sơ lắm, nhưng trên vùng đất chua phèn ngập lụt, đã có sự sống và những cơ sở hạ tầng ban đầu, đời sống của những người dân nghèo tụ về đây đã từng bước ổn định, mừng lắm.
Đại tướng và bác Phạm Hùng có mặt những ngày đầu, chân thành động viên, chỉ đạo, gợi ý cho nông trường những giải pháp và hướng đi ban đầu vượt qua những trở ngại khách quan và chủ quan lúc ấy.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt là 2 lãnh đạo rất quan tâm và gắn bó với nông trường Sông Hậu. Tính ra bác Đỗ Mười đã về nông trường tới 4 lần, kể cả lần ba chị mất, bác cũng về dự đám tang.
Trong suốt quá trình ấy, bác Đỗ Mười đã có nhiều chỉ đạo, động viên, giúp đỡ nông trường rất quý. Mới mấy năm trước bác còn có ý kiến phải nghiên cứu, tổng kết lại mô hình nông trường để xây dựng mô hình tam nông phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là nhà lãnh đạo quan tâm, gắn bó với nông trường. Vào những năm chuẩn bị xóa độc quyền xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón, bác Kiệt đã ký quyết định cho phép nông trường được xuất gạo và nhập phân.
Bác nói rất chân tình: “Giao cho cha con Năm Hoằng làm thử, có gì sơ xuất thì chỉnh sửa. Nhưng thiếu thuế là chết đấy nghen!”.
Bác Kiệt rất thích ăn các món dân dã, đồng quê. Vào thăm nông trường lần nào bác cũng chọn món đọt choại (một loại dây leo ở ĐBSCL) chấm mắm kho bình dị.
Chị Ba Sương (Trần Ngọc Sương):
Năm 1990: Được trao Huân chương lao động hạng ba Năm 1995: Được trao Huân chương lao động hạng nhì Năm 1999: Được trao Huân chương lao động hạng nhất Năm 2000: Được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Năm 2002: Được trao danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương kèm theo 10.000 USD. Chị đã trao số tiền này cho Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em TP. Cần Thơ. Ngoài ra, chị Ba Sương còn được 11 Huy chương vì sự nghiệp các tổ chức Đoàn, Hội; là chiến sĩ thi đua 21 năm liền; là Ủy viên đoàn chủ tịch UBMT TQ Việt Nam 10 năm liền qua 2 khóa V và VI… Chị Ba Sương còn là Đại biểu Quốc Hội khóa 8 |
Duy Chiến
(Còn nữa)