- Ước tính trong ba ngày cuối tuần qua, khoảng 14 triệu người Trung Quốc đổ xô đi xem "Transfomers 4", bộ phim bom tấn có vài yếu tố liên quan tới đất nước của họ.

Đây là điều mà chính quyền Trung Quốc không hề mong muốn. Tờ Los Angeles Times trích lời một quan chức cấp cao phát biểu tại một hội nghị phát triển phim nội địa ngay trước đêm mở màn của bộ phim, nhắc khéo các rạp sắp xếp suất chiếu "hợp lý", không đặt phim Transformers: Kỷ nguyên hủy diệt ở hầu hết màn ảnh tại các phòng chiếu. 

Nhưng dù các rạp có vì nể nang nghe lời cơ quan quản lý khi xếp số màn ảnh chiếu bộ phim này chỉ chiếm khoảng 30% (một số hệ thống rạp bất tuân lệnh miệng khi để bộ phim được trình chiếu ở 60 - 70% số màn ảnh), điều này cũng không ngăn được hàng triệu khán giả Trung Quốc đổ xô tới rạp xem bộ phim.

{keywords}
Một màn quảng cáo của Transformers 4 tại Bắc Kinh.

Quả vàng trên đất hứa

Theo trang tin Film Business Asia, trong 3 ngày đầu tiên, Kỷ nguyên hủy diệt dù chỉ được chiếu ở định dạng 3D và Imax 3D, đã thu về 99,2 triệu USD, tức gần ngang ngửa với doanh thu 100 triệu USD mà phim này thu được ở thị trường Bắc Mỹ trong cùng thời gian. Bộ phim của đạo diễn Michael Bay cũng xô đổ kỷ lục ăn khách nhất dịp cuối tuần công chiếu tại đất nước 1,3 tỉ dân, mà bộ phim Tây du ký: mối tình ngoại truyện đang nắm giữ.

Thành công của bộ phim đã được dự báo trước. Tại cuộc hội thảo trên, ông Zhang Hongsen, một quan chức thuộc Cục phát thanh, truyền hình và phim ảnh Trung Quốc được Los Angeles Times trích lời cho biết: "Cách đây khoảng 50 ngày, phim Trung Quốc còn chiếm 63% tổng doanh thu phòng vé. Nhưng sau đêm nay, con số này sẽ rơi xuống còn dưới 50%".

Với những gì đang diễn ra, có vẻ như Hollywood đã bắt đầu biết cách "trồng trọt" để có mùa quả ngọt nơi miền điện ảnh có tổng doanh thu phòng vé lên tới 3,6 tỉ USD trong năm ngoái, dự kiến đạt 4,8 tỉ USD trong năm nay. Để lấy lòng khán giả và lách cửa kiểm duyệt ở thị trường chiếu bóng lớn thứ hai thế giới (dự báo sẽ vượt Bắc Mỹ trong vòng một thập niên tới), Hollywood đã từng tạo ra những phiên bản phim chiếu riêng ở thị trường nước này như Iron Man 3, Looper... hay những phim lấy cảm hứng từ nền văn hóa Trung Hoa như Kung Fu Panda, Karate Kid (2010)...

{keywords}
Stanley Tucci và Lý Băng Băng trong phim Transformers 4.

Nhưng phần 4 của bộ phim về những con robot biến hình lấy cảm hứng từ một loại đồ chơi nổi tiếng trong văn hóa Mỹ, lại là một trường hợp khác. Giống như con tàu hút về mình tất cả kim loại nằm dưới tầm bay của nó vào lúc cuối phim, Kỷ nguyên hủy diệt ngay từ khâu thiết kế sản xuất đã cố gắng hút về mình những nguồn sức mạnh của tiền bạc. Khoản đầu tư sản xuất phim trị giá 165 triệu USD của hãng Paramount có đóng góp của China Movie Channel (một kênh của Đài truyền hình CCTV) và hãng Jiaflix Enterprises.

Sức mạnh tiền bạc

Chưa hết, đạo diễn Michael Bay còn tuyển người đẹp Lý Băng Băng và một dàn diễn viên phụ người Trung Quốc thông qua một chương trình truyền hình thực tế tại nước này. Các thương hiệu nội địa của Trung Quốc cũng tràn ngập các cảnh phim từ rượu, sữa, xe hơi, nước uống cho đến ngân hàng, khách sạn. 

Thậm chí, có một cảnh khá lạ đời, vô lý là giữa một thị trấn hẻo lánh miền Texas nước Mỹ, một người đàn ông trung niên da trắng cố gắng đút chiếc thẻ của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (?) vào trong một trạm ATM. Hay những cảnh xảy ra ở Hồng Kông, nơi chịu điều chỉnh của văn hóa giao thông Anh Quốc, nhưng tất cả các xe đều có vị trí tay lái bên tay trái!

{keywords}
Một cảnh hành động diễn ra tại Hồng Kông.

Nội dung cũng có những điều chỉnh. Điều chỉnh lớn nhất là đưa một phần cuộc chiến giữa nhân loại và hai thế lực robot ngoài hành tinh kéo tới những sự kiện xảy ra ở Bắc Kinh, và phần lớn tại Hồng Kông. Những cảnh quay tại hai thành phố này được cố ý sắp xếp đầy đủ các tín hiệu văn hóa đặc trưng của đất nước Trung Hoa, từ chữ viết, kiến trúc cho tới con người.

Nhưng dù vậy, bộ phim vẫn đủ khéo léo cài cắm những chi tiết nhỏ để câu chuyện xảy ra không quá xa với những gì mà thế giới nghĩ về Trung Quốc hôm nay. Trong cảnh bắn nổ một chiếc xe lưu động bán đồ lót Victoria's Secret, một autobot cảm thán: "Ghét nhất là hàng nhái". Hay một cảnh khác đầy thâm ý, phi thuyền chở nhân vật Cade Yeager của Mark Wahlberg bay ngang vạn lý trường thành vừa lúc anh nói về "những kỳ diệu đến từ sai lầm của con người".

Thế nên, dù phim có bị các nhà phê bình chê tơi tả, chỉ nhận được 16% ý kiến đánh giá tích cực theo thống kê của Rotten Tomatoes, người Trung Quốc vẫn không ngần ngại dốc tiền mua vé. Bởi mấy khi họ cảm thấy mình có chỗ trong một dòng phim được khắp thế giới giải trí vui vẻ, trong lúc nỗ lực xuất khẩu các giá trị văn hóa truyền thống của cả ngành điện ảnh trong nước gặp phải nhiều bế tắc.

Khải Trí