Hơn 100 công ty, trong đó có nhiều hãng công nghệ lớn, cùng nhau đưa ra văn bản pháp lý phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump và tranh luận nó có thể tạo động lực mạnh mẽ cho họ chuyển việc làm ra ngoài nước Mỹ.

Chiều muộn hôm Chủ nhật (5/2), Apple, Google, Microsoft và các doanh nghiệp khác nộp văn bản “thân hữu của tòa án” (friend-of-the-court) lên Tòa phúc thẩm khu vực 9 tại San Francisco. Họ cho rằng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của 7 nước Hồi giáo và tất cả người tị nạn “gây thiệt hại đáng kể đến việc kinh doanh của Mỹ”.

Tesla và SpaceX của Elon Musk cũng ký vào văn bản hôm thứ Hai (6/2), nâng tổng số các công ty tham gia lên 127. Musk  là một thành viên trong ban cố vấn kinh tế của ông Trump và đang chịu sức ép về vị trí này sau khi CEO Uber Travis Kalanick đã rút lui vì tranh cãi liên quan đến lệnh cấm.

Sắc lệnh ông Trump ban hành hôm 27/1 tạo ra làn sóng náo loạn và biểu tình tại Mỹ cũng như các sân bay quốc tế vào cuối tuần tiếp đó. Tổng thống Mỹ xem đây là biện pháp cần thiết để rà soát những người đến Mỹ và bảo vệ tốt hơn quốc gia trước nguy cơ khủng bố.

Hôm thứ Sáu tuần trước (3/2), Thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của sắc lệnh nói trên sau khi bang Washington và bang Minnesota nộp đơn kiện.

Trong văn bản, các công ty phản biện lệnh cấm gây ra sự bất ổn đối với những doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài và việc kinh doanh toàn cầu để đổi mới và tạo ra việc làm tại Mỹ.

“Những người nhập cư giàu kỹ năng sẽ quan tâm hơn đến làm việc ở nước ngoài, tại những nơi mà họ và đồng nghiệp có thể di chuyển tự do, được bảo đảm rằng tình trạng di trú của họ không đột nhiên bị thu hồi. Các công ty đa quốc gia sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để hoạt động bên ngoài nước Mỹ hoặc chuyển hay tuyển dụng nhân viên và đầu tư ở nước ngoài”, văn bản viết. “Cuối cùng, lao động và kinh tế Mỹ sẽ chịu hậu quả”.

Trong khi đó, chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump là mang việc làm quay lại Mỹ.

Đáp lại vụ kiện, chính quyền liên bang tranh luận trong hồ sơ pháp lý rằng Tổng thống chỉ đang thực hiện quyền hiến pháp để kiểm soát biên giới Mỹ và luật pháp cho phép ông chặn đứng hành vi nhập cảnh của bất kỳ người nước ngoài nào “có thể gây phương hại đến lợi ích của Mỹ”.

Những công ty đầu tiên tham gia vào văn bản có Facebook, Twitter, Intel, eBay, Netflix, Uber… Văn bản nhấn mạnh những đóng góp mà chính sách nhập cư đã mang đến cho kinh tế Mỹ. Người nhập cư hoặc con cái của họ đã thành lập hơn 200 doanh nghiệp trong Fortune 500.

Quan điểm của ông Trump về nhập cư, thương mại, an ninh mạng, cải cách thuế và các vấn đề khác đã gây ra nỗi kinh hoàng sâu sắc trong ngành công nghệ. Trước sắc lệnh cấm nhập cảnh, phần lớn các công ty cho biết họ muốn hợp tác với Tổng thống và tránh bất kỳ xung đột trực tiếp nào.

Tuy nhiên, lệnh cấm lại kích động làn sóng phản đối lan rộng tại Silicon Valley, nơi những người nước ngoài là một phần không thể thiếu. Đã có những cuộc biểu tình trong hòa bình tại Google và Facebook. Uber là mục tiêu bị tẩy chay và phải lên tiếng trấn an nhiều tài xế nhập cư rằng công ty đứng về phía họ.