Sáng ngày 27/10, tại Hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam ở Hà Nội, Phân ban Ni giới TƯ đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công.
Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm – Ủy viên thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Phân ban Ni giới TƯ, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ tuyên đọc tiểu sử Ni sư Diệu Nhân, Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện đã đọc văn tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân và chư vị Tổ sư Ni tiền bối Ni giới Việt Nam.
Hơn 6.000 tăng ni, phật tử cả nước đã về tham dự Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công. |
Ông Bùi Thanh Hà – Phó trưởng Ban thường trực Ban tôn giáo Chính phủ, đại diện cho lãnh đạo chính quyền các cấp phát biểu tại đại lễ, nhấn mạnh: “Những triết lý, giáo lý và giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo đã ăn sâu vào hệ tư tưởng và biểu hiện thành những nếp sống, thói quen sinh hoạt xã hội. Những quan điểm từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha... đã gặp gỡ với tính trọng nghĩa, bao dung của người Việt.
Ni sư Diệu Nhân là bậc tiền bối khả kính và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới Việt Nam nói riêng. Việc Phân ban Ni giới TƯ cùng GHPGVN tổ chức Hội thảo khoa học và Lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân theo đạo Phật, mà còn là một sự kiện văn hóa, xã hội gắn với tâm thức tưởng niệm tri ân và báo ân của toàn thể cộng đồng”.
Ông tin rằng đây sẽ là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà thiện tri thức cung cấp thêm những thông tin bổ ích công lao đóng góp của Ni sư Diệu Nhân cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam.
Hội trường đã dành 1 phút để tưởng niệm công đức của Ni sư Diệu Nhân. |
Tại buổi lễ, tiếp nối và phát huy tinh thần từ bi của Đạo Phật, Ban tổ chức đã trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ khuyến học Việt Nam. Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm – Trưởng Ban tổ chức Đại lễ cùng Ni trưởng Thích Đàm Thành, Ni trưởng Thích Đàm Lan đã trao quà ủng hộ quỹ cho bà Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Ban tổ chức đã trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ khuyến học Việt Nam. |
Trước đó ngày 26/10, Hội thảo khoa học với chủ đề 'Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam' do Phân ban Ni giới TƯ phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cũng tổ chức khai mạc tại Hội trường Bảo tàng của Học viện.
Hoà thượng Thích Gia Quang khẳng định, Ni sư Diệu Nhân là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Hoà thượng Thích Gia Quang, Trưởng ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phân viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN khẳng định Ni sư Diệu Nhân là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam, gương mặt Ni duy nhất được đề cập trong Thiền uyển tập anh, được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại.
Hòa thượng cũng cho biết từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các bài tham luận xử lý một cách căn cơ nguồn tư liệu ít ỏi hiện có liên quan tới Ni sư Diệu Nhân, chắt lọc nguồn tư liệu phong phú, đa dạng về Ni giới, nữ Phật tử VN thời hiện đại. Nội dung các tham luận nhấn mạnh vai trò hộ trì Phật pháp, những đóng góp cho dân tộc của nữ Phật tử Việt Nam, khẳng định Ni sư Diệu Nhân là vị Ni có uy tín lớn, am hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc.
Nội dung hội thảo được chia làm 3 phần: Những vấn đề lý luận chung; Ni sư Diệu Nhân và các vị danh Ni Việt Nam; Ni giới Việt Nam truyền thống và hiện đại.
Tình Lê
Công chúa nhà Lý đi tu, hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam
Ni sư Diệu Nhân thế danh Lý Ngọc Kiều, là công chúa nhà Lý, sau khi xuất gia đã chuyên chú tu học Phật pháp, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới Việt Nam.