- “Lúc đó ai trong chúng tôi cũng muốn chết cho nhanh chứ không muốn như thế này, kéo dài nữa”, nằm tại bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, nạn nhân vừa được giải cứu trong vụ sập hầm thuỷ điện, Nguyễn Văn Quang (SN 1994, quê Hà Tĩnh) kể lại.

Cuộc giải cứu khó tin 12 người trong hầm thuỷ điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đến họp bàn tại sở chỉ huy cứu nạn đã quyết định, giao quyền chỉ huy cho lực lượng công binh của Bộ quốc phòng. 24h sau, bất ngờ đến khó tin đã xảy ra….

Nước lên tới ngực, ai cũng nghĩ đến cái chết

Nạn nhân đầu tiên PV VietNamNet tiếp xúc khi vừa chuyển đến bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cấp cứu, Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, quê Hà Tĩnh) kể chi tiết, khi đó khoảng 7h sáng 16/12, nhóm công nhân vào đoạn đường hầm công trình thuỷ điện Đạ Dâng làm việc. Đang làm Tuấn nghe tiếng “ầm ầm!”.

{keywords}

“Tôi bỏ chạy vào trong, những người khác cũng chạy vào. Lúc đó có 15 người đang làm việc, nghe họ la toáng lên, có 3 người ở gần vị trí sập nên khi nghe tiếng động, rung chuyển dưới chân chạy kịp thoát ra ngoài. Còn lại 12 người bị“giam” trong đoạn hầm bị sập” - Tuấn kể lại giọng còn thảng thốt.

Đáng nói, theo các nạn nhân, khả năng sụt lún là do máy xúc trước đó đã xúc khoảng bùn đất ngay vị trí chân vách tường đường hầm, tại vị trí sập.

Nạn nhân Nguyễn Văn Quang kể tiếp, 2 ngày đầu 15 người bị mắc kẹt trong hầm, đi lại bình thường. Nhưng sau đó, nước từ trên rỉ xuống, dần dâng cao, có lúc tới ngực. Tất cả leo lên xe xúc và tự che chắn cho nhau để khỏi ướt. Nhưng lạnh và đói.

“Hai ngày đầu anh em chúng tôi còn hi vọng, nhưng bước qua ngày thứ ba là đã nản, tinh thần tuyệt vọng! Lúc đó ai trong chúng tôi cũng muốn chết cho nhanh chứ không muốn kéo dài như thế nữa”, anh Quang thuật lại.

Lúc xảy ra vụ sập, anh Quang bị đá rơi trúng đầu thương tích nhẹ. Tuy nhiên những thương tích đó của Quang hay các bạn đồng nghiệp không làm anh sợ bằng việc đối diện với cái lạnh, cái đói trong nhiều ngày. Hai ngày đầu đói, lạnh khủng khiếp, nước dâng cao, ai cũng nghĩ cái chết cận kề…

Trong số 12 công nhân có anh Hoàng Đình Thịnh (SN 1986, quê Nam Định) bị hen suyễn. Do đó khi bị lạnh, thiếu oxy, anh đã 2 lần ngất, nước mũi chảy ra, sùi bọt mép. Những người cùng cảnh ngộ khi đó dự tính, Thịnh sẽ là người đầu tiên… ra đi.

“Chúng tôi ngồi trò chuyện, tự nghĩ cách để nói chuyện cho hay ho, pha trò, tạo tinh thần lạc quan cho nhau. Đến khi thức ăn là cháo, sữa, nước gừng… được truyền vào, liên lạc được với bên ngoài thông qua đường ống thì đỡ hơn nhiều. Dù thế nhưng kéo dài trong cái lạnh buốt, nước từ trên vách đá rỉ xuống, chúng tôi thấy tuyệt vọng”, nạn nhân Tuấn nói về thời gian u ám nhất của cuộc đời.

12 người mắc kẹt bên trong có 10 người giữ ĐTDĐ trong người. Đây là nguồn sáng để thấy nhau và để rọi đường bơi đến vị trí mà đường ống truyền thức ăn, ôxy vào và là vị trí liên lạc với bên ngoài. Khi 1 ĐTDĐ sử dụng để làm ánh sáng thì tất cả ĐT khác tắt nguồn.

Và trở về từ địa ngục

Trừ người phụ nữ duy nhất là Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, quê Nghệ An), còn lại 11 người đàn ông thay phiên nhau bơi đến vị trí ống khoan đã thông để trao đổi với người bên ngoài và lấy thức ăn. Nón bảo hộ lao động được dùng làm dụng cụ chứa thức ăn là cháo, sữa… mang đến chỗ những người khác đang ngồi run rẩy vì đói, lạnh trên xe xúc.

Chị Ngọc còn được các đồng nghiệp nam ưu tiên cho ngồi giữa để ấm nhất.

“Để lấy thức ăn, các anh em phải cởi bỏ quần áo để giữ cho quần áo khô, giữ ấm cơ thể. Sau đó phải bơi từ vị trí đang ngồi trên xe xúc đến ống truyền thức ăn khoảng cách chừng 50m, trong tình trạng nước cao ngang ngực. Rồi chứa thức ăn trong nón mang về cho tất cả anh em” - ông Phạm Xuân Đăng (SN 1964, quê Vĩnh Phúc), người lớn tuổi nhất, mô tả.

Khi nước bắt đầu rút cạn dần thì nhiều người mừng ôm nhau khóc. Những âm thanh cứ vang lên đều đều từ nhiều phía vọng lại trong hầm, tất cả đều tin rằng những người bên ngoài đang nỗ lực khoan tìm kiếm họ. Hi vọng được nhen nhóm trở lại…

Anh Hoàng Anh Văn (SN 1980, quê Nam Định) là người khoẻ nhất, thường xuyên liên lạc với lực lượng bên ngoài, bằng cách hét qua đường ống "chúng tôi vẫn ổn", "các anh nhanh chóng cứu chúng tôi đi". Nhưng có lúc anh Văn giọng yếu, lạc đi...

Thời điểm hơn 16h chiều 19/12, nhóm 2 người là ông Phạm Viết Nam (SN 1973, quê Nghệ An) và anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, quê Hà Tĩnh) đến vị trí gần đường ống nhận thức ăn truyền vào, chứa trong nón bảo hộ lao động. 10 người khác đang ngồi sát, sưởi ấm cho nhau.

Bất ngờ nghe những tiếng động. Mảng đất lớn vỡ ra. Ai nấy la lớn vang đoạn hầm: “Chúng ta được cứu rồi!”, “Sống rồi!”. Đường hầm bên trái thông, lực lượng công binh chui vào. Lúc này, 12 con người như từ cõi chết trở về…

Điều kỳ diệu và đầy bất ngờ đã đến với 12 con người, sau hơn 80h đối mặt với tử thần, chống chọi với sự khắc nghiệt trong đoạn hầm sập tăm tối.

Chùm ảnh các nạn nhân ở bệnh viện kể lại hơn 80h đối mặt tử thần:

{keywords}

Nạn nhân Nguyễn Anh Tuấn kể lại hơn 80h kinh hoàng với PV VietNamNet

{keywords}

Đêm 19/12, lãnh đạo chính quyền tỉnh Lâm Đồng đến bệnh viện thăm hỏi, động viên các nạn nhân

{keywords}
Hoàng Anh Văn - người khoẻ nhất trong số 12 người bị nạn, thường xuyên trao đổi liên lạc qua đường ống với lực lượng cứu hộ bên ngoài

{keywords}
{keywords}
Thời khắc giải cứu 12 nạn nhân thoátkhỏi đoạn hầm bị sập

{keywords}

Trên giường bệnh, nạn nhân lớn tuổi nhất, ông Phạm Xuân Đăng “ngỡ mình và các anh em đồng nghiệp từ cõi chết trở về"

Bác sĩ Phạm Bá Hy – Giám dốc bệnh viện đa khoa Lâm Đồng xác nhận, 11 nam nạn nhân đã có sức khoẻ ổn định. Nữ nạn nhân duy nhất là chị Đặng Thị Hồng Ngọc bị suy kiệt, giảm huyết áp, choáng... nhưng qua sơ cấp cứu cũng đã ổn định lại.

  • Đàm Đệ - Trùng Dương