Từ năm 2019 đến tháng 6/2022, hơn 3.500 giáo viên các trường THCS, THPT thuộc địa bàn 39 tỉnh/thành phố đã được trực tiếp đào tạo các kiến thức về tư duy thời đại số. Chương trình do Meta (Facebook) phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet ICT) thực hiện.

Từ đội ngũ giáo viên cốt cán được đào tạo, chương trình đã mở rộng và tiếp tục tập huấn cho hơn 20.800 giáo viên khác. Tổng cộng hơn 580.000 học sinh đã được trang bị các kiến thức về kỹ năng số và an toàn trên mạng nhờ giáo viên tại địa phương và các đại sứ sinh viên của chương trình.

{keywords}
Tài liệu dạy học kỹ năng an toàn trên mạng và báo cáo tác động của chương trình Tư duy thời đại số. (Ảnh: Meta)

Mới đây, Meta, Vietnet ICT và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy giáo dục năng lực số trong nhà trường phổ thông và công bố một số kết quả nghiên cứu của hợp tác giữa các ba bên. 

Tại hội thảo, Giáo sư Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng học sinh hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức như kiểm soát quyền riêng tư, xác thực thông tin trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, các em cũng phải tương tác tích cực, có trách nhiệm với mọi người trên môi trường online. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc cung cấp tài nguyên và trang bị cho các em những kỹ năng số và an toàn trực tuyến.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chú trọng thúc đẩy kỹ năng số và an toàn Internet. Ông cho rằng sẽ cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa nhà trường, gia đình và xã hội để luôn bảo đảm các em học sinh có một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh.

Tại hội thảo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã công bố báo cáo tác động của chương trình Tư duy thời đại số. Theo báo cáo, 99,8% giáo viên cho rằng nội dung chương trình rất cần thiết và phù hợp để giảng dạy cho học sinh, 79% học sinh đồng ý nội dung lớp học Tư duy thời đại số rất hữu ích.

Kết quả khảo sát cũng ghi nhận rõ nét sự thay đổi tích cực về kiến thức, kỹ năng và hành vi của các em học sinh khi tham gia môi trường trực tuyến. Trung bình 8 trên 10 học sinh tham gia khảo sát chia sẻ rằng các em đã biết cân nhắc thông tin nào nên và không nên chia sẻ công khai trên Internet, biết sử dụng các công cụ để bảo vệ danh tính số của bản thân, và biết cách xác thực thông tin trực tuyến. Trung bình 7 trên 10 học sinh nói rằng các em đã áp dụng các kiến thức học được từ chương trình vào cuộc sống thực tế. 

Tại hội thảo, ban tổ chức cũng công bố tài liệu hướng dẫn “Dạy học kỹ năng số và an toàn Internet dành cho giáo viên”. Các bài học trong cuốn tài liệu được thiết kế phù hợp với khung chương trình giáo dục và phương pháp tiếp cận sư phạm tại Việt Nam, từ đó giúp các giáo viên dễ dàng thiết kế những giờ học thú vị cho học sinh.

Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách - Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Meta cho biết việc ra mắt cuốn tài liệu hướng dẫn sẽ giúp tích hợp chủ đề công dân số vào trong lớp học và các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.

Hải Đăng

Học sinh, sinh viên Việt ứng dụng fintech và blockchain giải quyết các vấn đề thực tế

Học sinh, sinh viên Việt ứng dụng fintech và blockchain giải quyết các vấn đề thực tế

Tham gia cuộc thi RMIT Fintech Blockchain 2022, các học sinh THPT và sinh viên đại học đã đề xuất những giải pháp cho các vấn đề trong thế giới thực bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, fintech.