Nụ hôn luôn là biểu tượng ngọt ngào của tình yêu, thể hiện sự gắn bó giữa hai người yêu nhau. Trên thế giới, một cuộc thi hôn tập thể đã không còn xa lạ. Song ở Việt Nam, sự kiện này gây ra những dư luận trái chiều.
TIN BÀI KHÁC

Những cuộc thi... hôn

Để tôn vinh tình yêu đôi lứa, chương trình “Bữa tiệc của những nụ hôn” dưới hình thức một cuộc thi hôn sẽ được tổ chức vào 14 giờ ngày 13/2/2011 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp, TP Hải Phòng.

Đối tượng tham gia dự thi là các bạn nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, các cặp đôi đang yêu nhau hoặc đã kết hôn. Cuộc thi sẽ có sự tham gia của 100 đôi thi tại sân chính Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp. 100 đôi được xếp vào vị trí định sẵn và sau khi hiệu lệnh bắt đầu các đôi phải hôn nhau trong một tư thế bắt buộc (chỉ 1 trong 2 người được phép đứng để hôn).


Một cặp đôi trong cuộc thi hôn tập thể tại Đà Lạt năm 2010 (Ảnh: Ngôi sao)

Ngày 31/12/2009 và 1/1/2010, một cuộc thi hôn nhau đã diễn ra tại khu du lịch Tình Yêu, Đà Lạt, Lâm Đồng,  dự kiến có 500 đôi tham gia nhưng cuối cùng chỉ có 59 đôi tham gia. Giải nhất được trao cho nụ hôn dài nhất được ghi nhận là 10 phút 20 giây.

Điểm chung nhất ở các cuộc thi này là các đôi sẽ thi dưới hình thức loại trực tiếp. Những đôi hôn lâu nhất sẽ giành chiến thắng và nhận khác giải thưởng của BTC.

Người Việt có nên...?

Pháp luật Việt Nam không cấm hôn nhau nơi công cộng, trừ tại một số địa điểm mang tính chất đặc thù. Tuy nhiên, đối với người dân Việt Nam, họ thường chỉ hôn nhau tại những nơi kín đáo, chỉ có hai người. Nếu tham gia thi hôn tập thể thì chuyện hôn nhau vốn chỉ của hai người nay lại được biến thành một cuộc tụ tập đông người, với số lượng lên đến con số trăm, ngàn…

Một điều nữa, với nét truyền thống của Việt Nam, nụ hôn là biểu tượng ngọt ngào, say đắm của tình yêu, là sự trao gửi, kết nối hai cá nhân lại với nhau và vì thế, nụ hôn mang tính thiêng liêng. Liệu, hôn nhau ở một chỗ đông người, trước ánh mắt quan sát của đám đông thì sự thiêng liêng của tình yêu có còn, nếu có cũng chỉ còn rất ít nếu không muốn nói là mang nặng yếu tố “diễn, như một độc giả của VietNamNet phản ánh: "Tôi cho rằng đó sẽ là những nụ hôn nhạt nhẽo và đầy giả tạo. Họ hôn để được quay phim và chụp ảnh".

Hơn nữa, các địa điểm mà BTC chọn làm nơi diễn ra cuộc thi lại là những điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn của Việt Nam đối với du khách nước ngoài. Lễ hội hôn nếu chỉ là hôn thì không phải là một lễ hội độc đáo với du khách quốc tế, nhất là khách phương Tây.

Điều độc đáo mà du khách phương Tây chờ đợi và khiến họ tìm đến Việt Nam chính là yếu tố văn hóa Đông phương vốn đặt nặng lễ nghi. Nếu thế thì du khách phương Tây còn sang Việt Nam du lịch làm gì nữa khi những thứ văn hóa ngoại đó, họ đã quá quen? Đây có phải là sự lai căng văn hóa, vô hình trung làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam?! Như một độc giả nêu ý kiến: "Theo tôi nên giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Học, ta chỉ học cái tốt, cái văn minh, nên để thời gian làm việc khác có ích hơn..."

Có tỉnh ở nước Nga, một số nước châu Âu còn ra luật cấm ngày Valentine. Ngày Valentine xuất xứ ở châu Âu, tuyệt nhiên không phải ngày của Việt Nam. Thế mà lại được người Việt Nam tung hô, hào hứng đón chờ như là ngày lễ của Việt Nam, liệu có nên chăng?

Kiều Trang