Phản ánh tới báo Pháp Luật TP.HCM bà Hứa Ngọc Anh (55 tuổi, Tiền Giang) cho biết: Tháng 9-2017, được sự tư vấn của người quen là bà NTTL (đang làm cho Công ty Bảo hiểm Prudential),bà đã ký ba hợp đồng để mua ba gói bảo hiểm cho bản thân và hai đứa con của mình. Số tiền đóng bảo hiểm cho mỗi hợp đồng hằng năm là 100 triệu đồng.
“Điều vô lý nhất là tôi chỉ tham gia ba hợp đồng bảo hiểm nhưng kiểm tra lại thì lại thấy ở đâu ra thêm hai hợp đồng nữa, tổng cộng là năm cái. Nhân viên công ty bảo hiểm đã giả mạo chữ ký điện tử và chữ ký trên giấy của tôi để lập hai hợp đồng ảo này nhằm mục đích nào đó” - bà Anh cho biết.
Ngoài ra, trong các đơn khiếu nại gửi Prudential bà còn cho rằng nhân viên tư vấn đã tư vấn và lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không đầy đủ. Đơn cử như tự ý cho thêm khoản đầu tư 50 triệu đồng vào mỗi hợp đồng, không tư vấn khách hàng mua bảo hiểm rằng trong vòng 21 ngày có quyền gửi văn bản đề nghị hủy hợp đồng bảo hiểm…
Bà Hứa Ngọc Anh cho biết sẽ kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi cho mình từ hợp đồng bảo hiểm đã ký. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Hơn một năm sau khi đóng hơn 300 triệu đồng cho ba hợp đồng mình tham gia, bà Anh mới nhận thấy những điều bất hợp lý như trên nên đề nghị hủy ba hợp đồng đã ký, yêu cầu phía bảo hiểm hoàn trả hơn 300 triệu đồng cho mình. Tuy nhiên, yêu cầu của bà không được chấp nhận.
PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ làm việc với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.
Về hai hợp đồng phát sinh thêm, đại diện Prudential cho biết qua làm việc với khách hàng và xác minh, xét thấy khách hàng không ký trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, không đóng tiền tham gia hai hợp đồng bảo hiểm phát sinh thêm nên Prudential đã xác nhận với khách hàng hai hợp đồng đó không phát sinh hiệu lực.
Đồng thời công ty sẽ nghiêm túc xử lý vi phạm đối với các cá nhân liên quan tới hai hợp đồng bảo hiểm ký thêm mà khách hàng khiếu nại.
Về khiếu nại khoản đầu tư tăng thêm 50 triệu đồng cho ba hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, Prudential cho biết khoản đầu tư tăng thêm là không bắt buộc và khách hàng có toàn quyền quyết định việc có đầu tư thêm hay không. Prudential căn cứ vào các văn bản lập ngày 12 và 14-9-2017 thể hiện khách hàng Hứa Ngọc Anh có dự định tham gia, do đó Prudential luôn thực hiện và tuân thủ thỏa thuận đã được hai bên thống nhất.
Ngoài ra, trong tất cả hợp đồng bảo hiểm đều nêu rõ trong vòng 21 ngày nếu khách hàng không muốn tham gia bảo hiểm thì có quyền gửi văn bản tới Prudential yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp của khách hàng Hứa Ngọc Anh thì trong thời gian 21 ngày đó, Prudential không nhận được đề nghị hủy bỏ hợp đồng nào nên không có căn cứ để đơn vị này chấp nhận hoàn trả số tiền phí bảo hiểm đã đóng hơn 300 triệu đồng.
Hiện nay bà Hứa Ngọc Anh đã khởi kiện Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam ra TAND quận 1 và đã được tòa thụ lý giải quyết. Trong đơn khởi kiện bà yêu cầu tòa tuyên hủy ba hợp đồng bảo hiểm đã tham gia ký kết và yêu cầu buộc Prudential phải hoàn trả số tiền hơn 300 triệu đồng mà bà đã đóng. |
Theo plo