Hôm 29/3, Tập đoàn tư vấn và giải pháp công nghệ GICON của Đức và Viện Nghiên cứu dầu khí Việt Nam (VPI) đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa hai bên nhằm nghiên cứu dự án thí điểm sử dụng công nghệ mới để sản xuất hydro và điện từ các nguồn tái tạo nhằm thử nghiệm trong các điều kiện tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Regina Ecker, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, ký kết Dự án. |
Được biết, hơn 10 năm nay, hợp tác về năng lượng nói chung và năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói riêng tiếp tục là một trong những lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước.
Đức hiện là một trong số nước tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng cho Việt Nam và đang có nhiều công ty Đức tham gia đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt về năng lượng Mặt trời, năng lượng gió và sinh khối, cũng như phát triển lưới điện thông minh.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại lễ ký, ông Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh về những thế mạnh của Việt Nam với nguồn sinh khối dồi dào từ hệ thống nông nghiệp cũng như nguồn năng lượng tái tạo như gió và Mặt trời, hy vọng rằng việc ký biên bản ghi nhớ là sự khởi đầu cho sự hợp tác sâu sắc, hiệu quả giữa hai bên.
Theo bản ghi nhớ hợp tác, hai bên sẽ chia sẻ các sứ mệnh, nhiệm vụ, trách nhiệm và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm để nâng cao hiệu quả trong các nỗ lực phát triển.
Hai bên cùng xác định các lĩnh vực và hình thức hợp tác tiềm năng, bao gồm việc lựa chọn, phát triển và kỹ thuật công nghệ. Cụ thể là áp dụng công nghệ mới để sản xuất hydro và điện từ các nguồn tái tạo đã được phát triển ở quy mô thí điểm/trình diễn/thương mại sau đó thử nghiệm trong các điều kiện tại Việt Nam.
Đề xuất đầu tiên cho hợp tác là nguồn năng lượng gió ngoài khơi được sử dụng để sản xuất hydro từ quá trình điện phân nước biển. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ hợp tác trong đào tạo, trao đổi dữ liệu/thông tin, sử dụng dịch vụ hoặc thuê chuyên gia của các bên trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và dự án dịch vụ tư vấn về quản lý năng lượng; công nghệ hydro, điện từ các nguồn tái tạo và khí sinh học cũng như nghiên cứu đa dạng sinh học và độc chất môi trường.
Lê Sang