Tìm nguồn tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững

Tháng 12/2021, tại lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa

Điều này đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức cho mô hình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó tăng trưởng xanh và bền vững là ưu tiên hàng đầu. Muốn vậy, Việt Nam sẽ phải thay đổi mô hình tăng trưởng cũ, dựa vào tài nguyên để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới xanh hơn. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần nguồn lực tài chính không hề nhỏ. Trong đó, tăng cường hợp tác với các Quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ quan trọng.

Khi phát biểu tại Hội nghị về hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh vào tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là mục tiêu, yêu cầu nhất quán và cấp thiết của Việt Nam. Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. 

Tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng

Từ nhiều năm nay, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư đều đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam và tầm nhìn, kinh nghiệm quốc tế về thu hút các nguồn tài chính cho phát triển bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Đại diện Tập đoàn Credit Suisse dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 8% năm 2022, thuộc nhóm cao nhất tại Châu Á và ASEAN. Credit Suisse đánh giá cao Việt Nam duy trì tốt động lực xuất khẩu nhờ hệ thống các Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực, duy trì được tính ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ trong nước trước các thách thức từ bên ngoài, không phải chịu áp lực nợ công và là một trong những điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong ASEAN.

Quỹ đầu tư Warburg Pincus nhấn mạnh Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á và Quỹ đến nay đã đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam. Quỹ này cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm đến ba yếu tố để thu hút hơn nữa nguồn vốn của các quỹ đầu tư. Đó là: duy trì môi trường đầu tư ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng mềm của nền kinh tế về năng lực tài chính, hệ thống y tế, chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lực thực thi chính sách hiệu quả...; và chú trọng tính bền vững của các dự án đầu tư nước ngoài. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh: "Chúng ta đều cùng chung nhận thức rằng, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết nhưng cũng sẽ đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở…. Do vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết".

Trong khi đó, Trưởng Đại diện World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần lượng vốn tài chính lớn, với mức đầu tư thêm tương đương 7% GDP mỗi năm.

Các tổ chức quốc tế đã khuyến nghị cho Việt Nam về giải pháp huy động tài chính gồm gắn kết các cam kết khí hậu với các dự án xanh và khả thi, thúc đẩy hợp tác công – tư, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tài chính xanh và có khuôn khổ pháp lý phù hợp cho giải ngân nguồn vốn ODA, thúc đẩy các công cụ tài chính xanh và bền vững, có giải pháp sáng tạo nhằm chuyển đổi nguồn vốn tập trung cho các dự án xanh, thiết kế và thực thi các ưu đãi khuyến khích tín dụng xanh…

Hồ Nhụy, Mỹ Hòa, Quyết Thắng