Những mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết vùng nguyên liệu

Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (trụ sở ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), người nông dân/nông hộ – hợp tác xã – doanh nghiệp là 3 nhân tố tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đưa sản phẩm ra thị trường. Sự hợp tác giữa 3 nhân tố này giúp tăng cường năng suất, hiệu quả sản xuất và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, nông dân là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết vùng nguyên liệu. Không chỉ trực tiếp sản xuất sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, quyết định chất lượng, sản lượng nguyên liệu đầu vào, nông dân còn cung cấp các sản phẩm từ đất và làm việc với doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm cho thị trường tiêu thụ.

Hợp tác xã là đầu mối liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp: Hỗ trợ nông dân lập chiến lược, kế hoạch sản xuất để mở rộng quy mô, sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; Hỗ trợ kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường; Giúp cung cấp dịch vụ và sản phẩm cao hơn cho khách hàng và doanh nghiệp; Hỗ trợ truyền thông, cung cấp thông tin về khoa học, kỹ thuật, giá cả thị trường để nông dân có thông tin chuẩn xác.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc mua sản phẩm từ nông dân hoặc hợp tác xã, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường. Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và tăng cường giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Liên kết trồng sầu riêng tại Đắk Lắk chưa chặt chẽ

Đắk Lắk là vùng tập trung trồng cây sầu riêng lớn nhất cả nước hiện nay với tổng diện tích 23.000 ha, sản lượng ước đạt 200.000 tấn/năm và tăng đều qua các năm.

anh sau rieng 18.jpg
Đắk Lắk là vùng tập trung trồng cây sầu riêng lớn nhất cả nước hiện nay. Ảnh: B.M

Quá trình phát triển vùng liên kết trồng sầu riêng tại Đắk Lắk có nhiều thuận lợi như: Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương: các chính sách về đầu tư; Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thông qua các chương trình kết nối, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khoa học; Sự hỗ trợ của cơ quan truyền thông để quảng bá sản phẩm, thương hiệu ra thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, có thể kể tới: Giao thông không thuận lợi; Chi phí vận chuyển cao, chiếm tới 30% chi phí cấu thành giá; Chưa có cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu; Các dịch vụ của ngành chưa được phát triển.

Đáng chú ý, “diện tích canh tác còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất, chưa có quy trình chuẩn nên chất lượng chưa thực sự ổn định. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chức năng – hợp tác xã – nông dân – doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp – nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao. Đặc biệt, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết”, bà Thanh nhận định.

Nhằm khắc phục hiện trạng nêu trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm khuyến nghị: Cần có cơ cấu vùng trồng chính xác, thực hiện hiệu quả các quy hoạch vùng trồng của cơ quan chức năng; Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng – hợp tác xã – nông dân – doanh nghiệp; Cần sớm thiết lập các điển hình liên kết tiến tiến giữa các doanh nghiệp và nông hộ - hợp tác xã về mọi mặt; Chính quyền cần có chính sách ưu đãi cho các mô hình liên kết để lan tỏa giá trị.

Riêng với các nông dân, bà Thanh lưu ý, cần liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã để nắm bắt thông tin về kỹ thuật canh tác, giá cả thị trường; tuân thủ các quy định của chính quyền và cơ quan chức năng.