Trong thời gian gần đây, du lịch cộng đồng, sinh thái tại Cần Thơ có nhiều khởi sắc, trong đó có Cồn Sơn (Bình Thuỷ, Thành phố Cần Thơ). Từ đó hình thành và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng, sinh thái ở Cồn Sơn.

Hợp tác xã (HTX) du lịch nông nghiệp Cồn Sơn được thành lập năm 2022 với 13 thành viên với mục tiêu chủ yếu sản xuất nông nghiệp, kết hợp phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản địa phương; bảo tồn và phát huy các hoạt động đặc trưng của nông thôn, giá trị văn hóa vùng sông nước. 

con son can tho 01.jpg
Mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại Cần Thơ có nhiều khởi sắc, trong đó có Cồn Sơn. 

Trải qua gần 2 năm hoạt động, đến này HTX du lịch nông nghiệp Cồn Sơn đã có 32 hộ là thành viên chính thức và 10 hộ liên kết cung cấp các sản vật, loại rau, trái cây, thủy - hải sản… để phục vụ du khách. Thông thường từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm là mùa rộ trái cây, trùng thời điểm mùa hè nên có nhiều du khách đến trải nghiệm ở vùng ĐBSCL. Khi đến Cồn Sơn, du khách có thể trải nghiệm tát mương bắt cá, mò ốc, hái rau, chèo xuồng, trải nghiệm làm nông dân, xem có lóc bay, xiếc ếch,…và đang hình thành các homestay, phát triển thêm cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng  của du khách.

Mô hình HTX du lịch nông nghiệp Cồn Sơn hoàn toàn do chính người dân Cồn Sơn sinh sống, gắn bó bao đời đứng ra phát triển, cộng đồng sở hữu và quản lý, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên, người dân; tạo việc làm cho các thành viên.

Hiện nay, du lịch Cồn Sơn đang từng bước được cải thiện về quảng bá và tổ chức thêm nhiều hoạt động du lịch mới, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh liên kết với Hiệp hội du lịch và Câu lạc bộ Lữ hành Cần Thơ, các công ty lữ hành và công ty điều hành du lịch để đưa Cồn Sơn đến gần với du khách trong nước, đặc biệt là khách quốc tế. Các cơ quan chức năng quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ thường xuyên trao đổi, hướng dẫn và tập huấn quản lý, giúp thành viên HTX, người dân phát triển du lịch theo hướng thân thiện và an toàn, bảo tồn môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương.

Sự ra đời của HTX đã giúp cho du lịch cộng đồng ở nơi đây ngày càng phát triển, người dân được trang bị thêm kiến thức, đời sống được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, hoạt động du lịch tại Cồn Sơn đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cần Thơ.

Tuy mới đi vào hoạt động nhưng hiện HTX du lịch nông nghiệp Cồn Sơn đã xây dựng được một số sản phẩm, sản vật đặc trưng riêng, điển hình như nhà vườn Song Khánh sở hữu vườn cây ăn trái, đan xen là ao cá bao bọc xung quanh khu vườn, được biết đến là nơi thường tổ chức làm các loại bánh dân gian và chuyên nấu các loại lẩu đồng quê như: lẩu mắm, lẩu cua đồng, lẩu cá tai tượng lá sen… 

Điểm độc đáo của nhà vườn này là du khách mỗi khi ghé đến sẽ được gia chủ hướng dẫn làm các món bánh dân gian như: bánh xèo, bánh khọt, bánh lọt, bánh tằm, bánh in…với các nguyên phụ liệu sẵn có trong vườn. 

Hay nhà vườn Công Minh, với khuôn viên trồng hơn 15 loại cây ăn trái như chôm chôm, nhãn, bưởi, vú sữa…; nhà vườn Thành Tâm trồng chủ yếu là bưởi và phục vụ các trải nghiệm cho du khách như: tát mương bắt cá, dịch vụ lưu trú qua đêm…

Ngoài ra, HTX còn tạo cảnh quan, trồng hoa, cây cảnh, sân vườn, lối đi cho du khách chụp ảnh; xây dựng và đưa vào hoạt động điểm trưng bày, giới thiệu bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong khu vực…qua đó tạo được điểm nhấn thu hút sự quan tâm của du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực tham gia quản lý, điều hành chủ yếu là người dân địa phương sinh sống, học hỏi lẫn nhau là chính; Quảng bá xúc tiến du lịch, hình ảnh đa dạng về Cồn Sơn còn thiếu, chưa đa dạng, chưa chính thống.

Bên cạnh đó, chưa chú trọng xây dựng, sắp xếp, tạo ấn tượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhất là theo chuyên đề, phù hợp mùa vụ.

Theo lãnh đạo HTX, trong thời gian tới sẽ khảo sát, đánh giá, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và phản ánh của du khách về chất lượng sản phẩm dịch vụ để kịp thời điều chỉnh, cải tiến, từng bước phát triển theo thị hiếu, nhu cầu thị trường; đồng thời chuẩn bị mọi nguồn lực để phục vụ tốt nhất nhu cầu du khách khi đến với Cồn Sơn,

Được biết, hiện Cồn Sơn đang xây dựng những sản phẩm truyền thống đạt tiêu chí của chương trình OCOP, trong đó có việc khôi phục nghề truyền thống; tổ chức xây dựng nhà cộng đồng trưng bày những sản vật đặc sắc của địa phương.

Hồng Phúc và nhóm PV, BTV