Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành (tỉnh Bắc Kạn) được thành lập năm 2017, với 9 thành viên, có vốn điều lệ 2,7 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản. 

Đến năm 2022, số lượng thành viên của Hợp tác xã đã tăng lên thành 15 người, tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động, cùng với 50 lao động thời vụ là nữ giới tham gia vào sơ chế các sản phẩm nông sản (nghệ, gừng, riềng…). Doanh thu của Hợp tác xã đạt gần 15 tỷ đồng.

Thời gian qua, Hợp tác xã đã liên kết với 200 hộ dân (trong đó có 70 hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc) tại các huyện Pác Nặm, Na Rì, với diện tích trên 100ha trồng cây nghệ nếp đen và nghệ nếp đỏ được chứng nhận mã số vùng trồng và chứng nhận hữu cơ. 

Hợp tác xã đã chủ động về nguồn nguyên liệu để sản xuất, ký hợp đồng cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho thành viên. 

anh bai 20.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành. 

Để bảo đảm sản phẩm sạch và đáp ứng nhu cầu sản xuất, với sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp (APIF) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ, Hợp tác xã đã mạnh dạn đối ứng 66%, tương đương 3,2 tỷ đồng để đầu tư máy sấy công nghiệp loại lớn và 12 máy móc thiết bị khác theo hướng an toàn, khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận TCVN 11041-2:2017 và ISO 9001:2015. 

Hiện tại, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành có gần 20 loại sản phẩm, trong đó nổi bật là: Tinh bột nghệ nếp đen, Tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp được đóng trong lọ thủy tinh 100g, 200g, 500g, 1.000g, và trong túi bạc zipper. 

Sản phẩm Tinh bột nghệ nếp đen, Tinh bột nghệ nếp đỏ của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành cho biết, bà và các cộng sự luôn xác định Chương trình OCOP vừa là thách thức vừa là cơ hội để tạo dựng thương hiệu của sản phẩm, đưa củ nghệ “từ làng ra phố”, chinh phục thị trường trong nước, hướng tới mở rộng xuất khẩu.

Ngoài các sản phẩm OCOP, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành còn sản xuất tinh bột nghệ dạng viên nhộng, viên tinh nghệ mật ong rừng đóng gói 100 viên/hộp và nghệ sấy lát

Nhằm hoàn thiện sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và phát triển thị trường, Hợp tác xã đã thiết kế và hoàn thiện nhãn hiệu, bao bì, mẫu mã cho các dòng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường. Nhãn hiệu của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. 

Nhờ chủ động trong việc hoàn thiện sản phẩm, Hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ của các sở/ngành trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Điều này giúp các sản phẩm của Hợp tác xã được nhiều đối tác và khách hàng biết đến. 

Để phát triển thị trường bền vững, Hợp tác xã đã nghiên cứu nhu cầu khách hàng, phân khúc thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; Liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ các dòng sản phẩm, bao gồm sản phẩm nguyên liệu và thành phẩm (nghệ sấy thái lát, bột nghệ, tinh bột nghệ) với 6 doanh nghiệp chế biến, phân phối và một số đơn vị xuất khẩu; Thúc đẩy hệ thống bán hàng trên các nền tảng trực tuyến (Shopee, Lazada,…), mạng xã hội (Facebook, Zalo), kênh thương mại điện tử của tỉnh Bắk Kạn và mạng lưới cộng tác viên bán hàng tại các địa phương như: Đắc Lắk, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên...

Những bí quyết thành công của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành có thể gói gọn vào một số nội dung sau: Phát triển dựa trên sản phẩm bản địa; Liên kết nông dân xây dựng vùng nguyên liệu; Đầu tư vào sơ chế, chế biến, đa dạng sản phẩm; Hoàn thiện sản phẩm, tham gia OCOP; Liên kết doanh nghiệp; Ứng dụng thương mại điện tử.

Thục Anh và nhóm PV, BTV