Tính đến tháng 11/2023, toàn huyện Mường Khương (Lào Cai) có tổng số 22 HTX nông nghiệp. Huyện cũng đang duy trì hoạt động của 124 Tổ hợp tác nông nghiệp ở các xã trên địa bàn (Lùng Vai 11, Bản Sen 6, Bản Lầu 24, Thanh Bình 37, thị trấn Mường Khương 11, Cao Sơn 6, La Pan Tẩn 3, Lùng Khấu Nhin 4, Nậm Chảy 6, Tung Chung Phố 3, , Dìn Chin 2, Tả Gia Khâu 3, Pha Long 2, Nấm Lư 04).

Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mường Khương xác định cần tạo lập liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế, nông dân các xã trên địa bàn huyện đã liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp theo các ngành hàng chủ lực, gồm chè, chuối, dứa, quýt, lợn đen...

 

anh muong khuong.jpg
  Với đầu ra ổn định, cây quýt đang dần trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực giúp người dân Mường Khương xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Kết thúc năm 2023, bức tranh nông nghiệp Mường Khương có thêm những gam màu tươi sáng khi các cây trồng chủ lực và tiềm năng đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Toàn huyện đang có 5456 ha chè, 550 ha chuối, 1640 ha cây quế, 815 ha quýt, 550 ha lúa Séng cù, 200 ha cây hồng giòn và 200 ha ớt. Đây là những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện nghị quyết lớn của Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa. Từ nghị quyết  này, đời sống người dân đang dần có sự thay đổi căn bản, Mường Khương cũng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Đến nay, ngoài vùng trồng chè, dứa, Mường Khương còn phát triển được các vùng hàng hóa tập trung như vùng trồng ớt, trồng quýt, rau, chuối, gạo Séng Cù…Đặc biệt, nhờ xây dựng được các vùng hàng hóa quy mô lớn, Mường Khương đã thu hút được các doanh nghiệp, HTX đầu tư, hỗ trợ người dân tiêu thụ thông qua hoạt động chế biến.

Tại xã Bản Sen, người dân trồng chè được HTX Bản Sen thu mua phục vụ chế biến xuất khẩu. Ông Trần Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX Bản Sen, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, HTX thu mua của người dân khoảng 720 tấn chè búp tươi và xuất khẩu ra thị trường thế giới được khoảng 160 tấn khô. Bên cạnh đó, HTX còn nhân giống cây chè để cung cấp cho bà con mở rộng diện tích và hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân, tỉa lá và cách thu hoạch chè đúng cách…

Hiện, Mường Khương đang có khoảng 5.000 ha chè. Đây là một trong những cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ thoát nghèo, nâng cao đời sống. Chính vì vậy, các ngành chức năng của huyện đang tích cực hỗ trợ người dân, HTX trồng chè trong việc phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chế biến tiêu thụ theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Cùng  với việc mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, Mường Khương ưu tiên hàng đầu tư cho các cây trồng sản xuất hàng hóa. Cây trồng đang được định hướng với tiêu chuẩn an toàn và sản xuất theo tiêu chuẩn của đơn vị bao tiêu sản phẩm. Cách làm này đang giúp Mường Khương xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng như việc trồng dứa của nông dân xã Bản Lầu là một điển hình.

Hiện nay, xã Bản Lầu đã phát triển lên khoảng 1.200ha dứa, sản lượng hằng năm khoảng 25.000 - 27.000 tấn. Diện tích dứa rải vụ toàn xã là 20ha. Riêng HTX Thịnh Phong đang có 14ha dứa đạt tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng hình thức rải vụ.

Ngoài Bản Lầu, toàn huyện Mường Khương đang có khoảng 2.200 ha dứa và Mường Khương cũng được gọi là thủ phủ trồng dứa của tỉnh, sản lượng năm 2023 khoảng 36.500 tấn. Hiện ngoài cung cấp dứa tươi cho thị trường, người dân, các HTX trên địa bàn đang đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị, mở rộng đầu ra. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, HTX Thịnh Phong sẽ phối hợp với các ngành chức năng cấp mã số vùng trồng cho quả dứa để hướng tới xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

 Nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới, Mường Khương đang khai thác thế mạnh này để phát triển cây trồng tiềm năng. Cây quýt, cây hồng giòn hay lúa đặc sản đang mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho nông dân vùng cao. Đặc biêt, quýt Mường Khương không chỉ đạt sao OCOP mà còn có chỉ dẫn địa lý vào bảo hộ thương hiệu. Nhằm gia tăng giá trị, huyện đang định hướng phát triển quýt theo tiêu chuẩn VietGAP và kéo dài thời gian thu hoạch.

 Nhờ sự chủ động của người nông dân và phát huy thế mạnh của vùng cây trồng, vật nuôi chủ lực, Mường Khương đang từng bước hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn phát triển. Ông Giàng Quốc Hưng- Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: ”Để gia tăng được giá trị của  1ha canh tác, đầu tiên phải chọn được giống tốt, thứ 2 là người dân phải có kiến thức kỹ năng về việc trồng và chăm sóc, thứ 3 là kêu gọi được các nhà máy chế biến sâu để họ chế biến ra những sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng tôi quyết tâm hướng đến một vùng nguyên liệu càng ngày càng sạch”.

Là huyện nghèo của cả nước và có đến 5 xã có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến trên 70%, việc thực hiện Nghị quyết 10 đang giúp Mường Khương phát triển nông nghiệp hàng hóa an toàn chất lượng cao. Huyện sẽ tiến tới nền nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới, đời sống của người nông dân ấm no hạnh phúc.

 Hạnh Nguyễn