Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, củng cố các HTX kém hiệu quả, thành lập các HTX kiểu mới và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. 

Tại các tỉnh vùng ĐBSCL, nông dân được xác định là chủ thể quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu nông nghiệp. Đến nay đã hình thành các vùng chuyên canh có liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người sản xuất, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh vùng ĐBSCL.

htx gon gon.jpg
Hợp tác xã nông nghiệp Gò Gòn.

Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã xuất hiện nhiều HTX điển hình với nhiều cách làm hay, sáng tạo cần được nhân rộng trên cả nước. HTX Nông nghiệp Gò Gòn, ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An là một ví dụ điển hình. 

Là đơn vị chủ lực của địa phương về xây dựng cánh đồng lớn, HTX Gò Gòn đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP và đang từng bước đưa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. HTX không chỉ chăm lo cho các hộ thành viên mà còn là đơn vị tiên phong các hoạt động liên kết chuỗi giá trị, hoạt động vì lợi ích của người sản xuất trong xã, trong huyện.

HTX Gò Gòn đã triển khai mô hình cánh đồng lớn liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), kết hợp với thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán của bà con nông dân. 

Ban Giám đốc HTX đã phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị cho từng thành viên về quy trình, kiến thức và kỹ thuật để có thể thực hiện sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ. Nhờ đó, HTX Gò Gòn đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu Gạo Gốc Tím. Hiện nay, HTX Gò Gòn có 120 thành viên chính thức là các hộ sản xuất liên ấp trên địa bàn xã Hưng Thịnh, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 564ha.

Hay như HTX Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) được thành lập năm 2009 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long, dừa và các nông sản khác, cung ứng vật tư nông nghiệp. HTX đã hướng dẫn cho các thành viên sản xuất quả thanh long an toàn, theo tiêu chuẩn toàn cầu Global Gap với diện tích sản xuất hơn 100ha thanh long, trong đó có 30ha đạt chứng nhận Global Gap năm 2015 và hiện 100 ha thành viên HTX đều tổ chức sản xuất theo quy trình GAP, đang thực hiện mô hình dừa đạt hữu cơ với quy mô 100ha.

Bên cạnh đó, HTX ký hợp đồng cam kết với các thành viên mua cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn, thành viên HTX được hưởng lợi nhuận so với thị trường bên ngoài từ 10 đến 20% và đặc biệt là luôn được yên tâm sản xuất, không phải lo tình trạng được mùa mất giá.

Tương tự HTX Gò Gòn và Mỹ Tịnh An, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được thành lập nhằm mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, giúp người dân giảm chi phí sản xuất thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị…
Từ khi thành lập, HTX phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam triển khai 42ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ các thị trường nước ngoài như: Mỹ, Malaysia, Trung Quốc. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP.Cao Lãnh thực hiện mô hình xoài rải vụ gần 37ha; liên kết với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất xoài theo hướng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu gắn với hợp đồng tiêu thụ, với diện tích gần 140ha.

Qua việc phối hợp với các viện, trường, công ty thực hiện các mô hình sản xuất xoài an toàn đạt chất lượng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến bao tiêu, thực hiện chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX ký hợp đồng tiêu thụ xoài loại 2 với Công ty TNHH Gò Đàng; ký hợp đồng với Công ty TNHH Cát Tường thu mua xoài loại 1 với sản lượng 2 tấn/tuần; ký hợp đồng với HTX công nghệ cao Mặt Trời Mọc huyện Củ Chi (TP.HCM) liên kết tiêu thụ xoài cho nông dân 11 tấn; ký liên kết tiêu thụ với Công ty Kim Nhung 138ha; Công ty TNHH Long Uyên 100ha; ký hợp đồng cung cấp xoài các loại cho chuỗi siêu thị Big C.

Những nỗ lực của các HTX với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh đã mang lại các hiệu ứng tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL và xây dựng nông thôn mới. 

Bộ NN&PTNT cho biết đang cùng các địa phương trong vùng thực hiện chuyển đổi số, số hóa các HTX, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã vùng nuôi… nhằm giúp nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển bền vững.

Với sự linh hoạt của địa phương, Bộ NN&PTNT trong thúc đẩy thực hiện liên kết chuỗi, vùng ÐBSCL sẽ tiếp tục là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của cả nước.

Vân Anh và nhóm PV, BTV