Ngày 13/12, tại Nhà máy Đóng tàu Đồng Tâm, hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm, tỉnh Tiền Giang lần đầu tiên tổ chức Lễ hạ thủy phà 100 tấn. Phà có chiều dài trên 38m, rộng khoảng hơn 11m, trọng tải toàn phần trên 129 tấn, với số khách tối đa 350 người. Phà được đóng mới, nhằm thay thế phà A60 hết niên hạn sử dụng hiện nay ở 1 số địa phương. 

Việc lần đầu tiên hạ thủy phà 100 tấn do HTX Rạch Gầm đảm nhận vai trò thi công, đánh dấu bước phát triển mới của HTX Rạch Gầm sau nhiều năm đi vào hoạt động với nhiều bước thăng trầm.

bai rach gam thay.jpg
Nhà máy đóng, sửa tàu Đồng Tâm thuộc Hợp tác xã Rạch Gầm.

Hợp tác xã Rạch Gầm, tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 1979 và trải qua gian nan thử thách đi từ 3 không (cơ sở vật chất, kinh nghiệm, cơ sở pháp lý) đến có, từ nhỏ đến lớn để phát triển cho đến ngày nay.

Từ một đơn vị hợp tác chuyên ngành về vận tải, trong những năm gần đây, đón trước thời cơ và vận hội mới từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX Rạch Gầm đã chủ động đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, định hướng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, chủ động liên kết, liên doanh để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường kết hợp ứng dụng khoa học - công nghệ và những tiện ích do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhằm phát triển bền vững.

Cụ thể, Hợp tác xã Rạch Gầm đã tổ chức lại đoàn tàu vận tải theo hướng "sắt hóa" 100%, "trẻ hóa" và tăng tải trọng cho từng chiếc tàu từ 30 - 50% tùy chiếc, kết hợp ứng dụng Internet, Zalo, số hóa các thủ tục giấy tờ trong chuỗi Logistic. Đây được coi là cuộc cách mạng công nghệ mới giúp “lột xác” đoàn tàu vốn 100% bằng gỗ, tải trọng nhỏ, năng lực vận tải hạn chế trước đây.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Rạch Gầm còn mở thêm cơ sở đóng; sửa chữa tàu, sà lan, tổ chức các điểm kinh doanh xăng dầu và vật liệu xây dựng, bốc dỡ bằng cơ giới, đại lý vận tải...; đồng thời đảm nhận xây dựng, thi công các công trình giao thông, dân dụng, san lấp mặt bằng và một số dịch vụ liên quan khác,... Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã đã giữ mối quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với nhiều đối tác như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tâm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Ngọc, Doanh nghiệp Thành Thành Công, Công ty thức ăn chăn nuôi Con Cò, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Khương,...

Sau nhiều lần cơ cấu nâng trọng tải, hiện HTX đã có gần 70 tàu, sà lan sắt cỡ lớn tổng trọng tải gần 70.000 tấn, gần 400 lao động; liên kết kinh doanh với 29 chủ sà lan của cá nhân và đơn vị khác với trọng tải gần 30.000 tấn. Như vậy, HTX có tổng cộng 100.000 tấn tàu, sông để kinh doanh đa ngành gồm vận tải hàng hóa, đóng sửa tàu, sà lan, xây dựng công trình giao thông, đại lý vận tải… hoạt động rộng khắp đồng bằng Nam bộ. Hầu hết thành viên, người lao động trong HTX đều được tuyển dụng từ các xã vùng sâu ven Đồng Tháp Mười và gắn nhiều năm với HTX.

HTX vận chuyển gần 3.000.000 tấn hàng/năm; mỗi năm đóng mới 8-10 sà lan, trong đó có chiếc trọng tải 2.800 tấn chở container; sửa chữa hơn 60 sà lan/năm.... Tổng doanh thu hàng năm trên, dưới 230 tỷ đồng. 

Hơn 43 năm, thời kỳ nào HTX cũng đón đầu, chủ động thích ứng nhanh với các chính sách kinh tế xã hội của Đảng và nhà nước, vượt khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ, kinh doanh thêm ngành nghề có hiệu quả. HTX luôn với tư tưởng hành động làm sao cho “HTX là nhà, thành viên là chủ”, “đồng thuận”, “minh bạch”, “công khai”.

Như các HTX phi nông nghiệp khác trong tỉnh, HTX Rạch Gầm đi từ nhỏ thành lớn, từ thô sơ lên hiện đại, từ đơn ngành đến đa ngành, phát triển an toàn và bền vững, kiên trì thực hiện mục tiêu “Thành viên giàu có, HTX giàu mạnh”.

Theo lãnh đạo HTX, trải qua hàng chục năm hoạt động, HTX luôn đứng vững trước những khó khăn và luôn thích ứng với thị trường nhờ các yếu tố: đường lối chính sách đúng, khả năng quản trị, đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi của thị trường và khai thác tốt lợi thế ngành vận tải đường sông tại khu vực để tạo ra sức bật trong kinh doanh…

Hồng Phúc và nhóm PV, BTV