Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Tân Tiến (xã Vị Tân, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) được thành lập vào năm 2018. HTX có 34 thành viên chính thức với diện tích là 51 ha, ngoài ra HTX còn liên kết với 06 tổ hợp tác trên địa bàn với 493 thành viên, diện tích 478ha. HTX hoạt động với một số dịch vụ chính là cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu, thu mua lúa, sấy lúa.
Việc xây dựng mô hình lúa chất lượng cao gắn với sơ chế, chế biến gạo đạt chuẩn OCOP được Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc HTX rất quan tâm và mong muốn thực hiện. Từ đó, HTX đã phối hợp với UBND xã Vị Tân và Phòng Kinh tế thành phố triển khai, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tất cả thành viên HTX và các tổ hợp tác trồng lúa về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với sơ chế và áp dụng vào quá trình sản xuất; tham gia tập huấn kiến thức về sản phẩm OCOP.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, HTX đã triển khai thực hiện sản xuất lúa đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 55,26 ha, đây là điều kiện thuận lợi để HTX tiến tới đăng ký sản xuất gạo tham gia sản phẩm OCOP, nhằm năng cao giá trị hạt gạo và tạo thêm thu nhập cho HTX và xã viên.
Theo lãnh đạo HTX, bên cạnh những kết quả đạt được, HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn về xây dựng phương án kinh doanh, về phát triển xã viên, huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, vùng nguyên liệu...
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh, đặc biệt là UBND thành phố, Phòng Kinh tế thành phố và UBND xã Vị Tân đã quan tâm hỗ trợ về triển khai chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng như: Hỗ trợ xây dựng đường giao thông đến HTX, hỗ trợ nhà kho, thiết bị, hỗ trợ vay vốn ưu đãi... đã giúp HTX dần định hình và đi vào hoạt động ổn định.
Cụ thể, HTX được đầu tư trang thiết bị, nhà kho, hệ thống sấy lúa gần 10 tỉ đồng từ chương trình VnSAT giúp cho hoạt động bao tiêu, thu mua lúa của xã viên, nông dân trong vùng ngày càng thuận lợi và hiệu quả hơn; hỗ trợ 2 tuyến lộ giao thông nông thôn với tổng kinh phí 21,4 tỷ đồng; hỗ trợ cấp chứng nhận lúa đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 55,26 ha; hỗ trợ chuyển giao thực hiện các mô hình sản xuất lúa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Ứng dựng cơ giới hóa vào trong sản xuất, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng.
Đặc biệt, HTX được hỗ 09 máy cấy tay thực hiện nhân rộng vụ lúa Thu Đông trên 50ha diện tích lúa cấy để nhân giống cho HTX phục vụ cho vụ lúa Đông Xuân 2022-2023.
Mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp cấy máy giúp người dân trong vùng có được nguồn giống tốt, chất lượng, giảm chi phí đầu vào sản xuất và nhằm giúp bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, từ sạ dày, sạ lan chuyển sang sạ thưa, sạ hàng giảm lượng lúa giống gieo sạ, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất bằng phương pháp cấy máy, giúp bà con giảm được giá thành đầu vào, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp cấy máy trên địa bàn xã Vị Tân ngày càng được người dân áp dụng, với việc giảm lượng giống đáng kể trong khâu gieo trồng, đồng thời giảm đổ ngã và giảm nhiều chi phí khác trong quá trình sản xuất.
Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh và thành phố đã tạo động lực để HTX đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm các dịch vụ để phục vụ cho các thành viên HTX, nhất là phát triển sản phẩm OCOP được chế biến từ gạo. HTX sẽ tận dụng và phát huy tối đa các chính sách đã được hỗ trợ để xây dựng và phát triển HTX tiêu biểu cho thành phố trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo HTX cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dịch vụ, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao gắn với sản phẩm OCOP để nâng cao thu nhập cho các thành viên và góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Vị Tân.