Phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025

Bình Lục là một huyện thuộc vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, dù là huyện nông nghiệp nhưng trước đây người dân chỉ độc canh cây lúa giá trị kinh tế thấp là chủ yếu. Tuy nhiên, những năm gần đây cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của Bình Lục đã có nhiều thay đổi. Các HTX kiểu mới ra đời, đưa bức tranh kinh tế của  địa phương khởi sắc.

Theo ông Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục: “Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Lục tiếp tục bắt tay ngay vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiệu quả, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn”.

Theo đó, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, huyện Bình Lục đã được tỉnh Hà Nam lựa chọn và giao nhiệm vụ triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao và đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Bằng cách làm chủ động, sáng tạo; với tinh thần để người dân là chủ thể trong quá trình thực hiện và giám sát, qua đó các đầu mối, các mục tiêu của phong trào xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương cứ thế băng băng về đích.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2023 huyện Bình Lục đã có hai xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, hai xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, sáu xã phấn đấu được công nhận nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, còn lại các xã đều đạt từ 13-15 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Để có được kết quả trên, toàn huyện đã huy động được tổng nguồn vốn ước đạt 2.355 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và những người con xa quê ủng hộ hơn 450 tỷ đồng.

binh luc nhan rong mo hinh htx kieu moi.jpg
HTX nông sản sạch tại xã Ðồng Du với giống nho xanh không hạt tại Bình Lục.

Chính nhờ các nguồn lực từ Trung ương và vốn đối ứng của địa phương, bộ mặt nông thôn huyện Bình Lục thay đổi rõ rệt, kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Đặc biệt, các mô hình tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành; các HTX kiểu mới ra đời với những nông sản được đưa ra thị trường và bước đầu tạo được thương hiệu; nhiều sản phẩm OCOP của huyện được người tiêu dùng cả nước biết đến như: rượu Vọc; mắm cáy…

Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới

Nói riêng về kinh tế tập thể, ông Lê Xuân Huy cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, toàn huyện Bình Lục có 62 HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 26 HTX kiểu mới. Các HTX nông nghiệp tập trung sản xuất các mặt hàng địa phương có thế mạnh như: các mặt hàng gạo (tám thơm, tám dài ngày, xi dẻo, Bắc hương…); sen (hạt sen sấy, trà sen, mứt sen); rượu (rượu Vọc, rượu nếp cái hoa vàng), bánh đa (làng Chều).

Bên cạnh đó, một số HTX trồng hoa và cây cảnh, nho không hạt hay đậu, dưa, ớt xuất khẩu. Cụ thể, huyện Bình Lục đã thu hút được ba doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó dự án nông sản sạch tại xã Ðồng Du (với diện tích 19,5 ha) chuyên canh tác sản xuất nho không hạt kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm được đánh giá rất hiệu quả. Hiện Bình Lục đã có 6 xã có sản phẩm được chứng nhận VietGAP và OCOP.

Cụ thể, sau gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay huyện Bình Lục đã có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao trở lên như: Bưởi diễn xã Ngọc Lũ; Nho Mẫu đơn, nho hạ đen, Thanh Long xã Đồng Du, gạo Bắc thơm, gạo LT2 thị trấn Bình Mỹ; Rượu vọc, rượu nếp cái hoa vàng của HTX rượu vọc, rượu Đức Toàn xã Vũ Bản; Hành dọc, đậu Cove xã Bình Nghĩa. Mặc dù số lượng sản phẩm OCCOP chưa nhiều nhưng đây chính là những nỗ lực rất lớn của các HTX trên địa bàn.

Định hướng trong thời gian tới, Bình Lục sẽ nhân rộng mô hình các HTX kiểu mới kết hợp với bảo tồn 4 làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch. Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Lục có di tích Cây đa Bác Hồ tại Tiểu khu Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ; Khu nhà và từ đường Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; 4 làng nghề: Làng nghề nấu rượu Vọc (xã Vũ Bản), Làng nghề đan võng An Bài (xã Đồng Du); Làng nghề đan tre Gòi Thượng (xã An Nội) và Làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai (xã An Lão).

“Bình Lục phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, trong đó chỉ tiêu phát triển các HTX kiểu mới kết hợp với bảo tồn làng nghề được chính quyền và nhân dân địa phương hết sức quan tâm. Bình Lục phấn đấu xây dựng nông thôn mới phát triển đồng đều và bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng xã hội an toàn, môi trường sạch đẹp, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Bình Lục ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Huy cho biết thêm.

Thanh Nga và nhóm PV, BTV