Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Nhiều mô hình hợp tác xã toả sáng
Xác định kinh tế nông nghiệp là một trong các trụ cột chính trong hệ thống kinh tế của tỉnh, những năm trở lại đây, Bình Phước triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Bình Phước luôn xác định rõ vai trò, đóng góp của kinh tế tập thể, hợp tác xã và chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện ở Bình Phước có 225 hợp tác xã và 86 tổ hợp tác đăng ký hoạt động; 495 trang trại hoạt động về lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, tạo việc làm cho khoảng 12.000 thành viên hợp tác xã và hơn 7.000 lao động thường xuyên trong hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, phân phối lợi nhuận theo thỏa thuận liên kết hợp tác.
Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) mà nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước được đánh giá đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Có thể kể đến một số hình mẫu như:
Sự đoàn kết, tập hợp hộ gia đình, trang trại tham gia KTTT đã góp phần đưa xã vùng sâu Thanh An sớm hoàn thành tiêu chí 13 về KTTT trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn xã có 3 HTX, 3 tổ hợp tác, 1 câu lạc bộ về tiêu sạch đang hoạt động và phát triển tốt. Hoạt động KTTT đã góp phần tạo việc làm, thay đổi đời sống người dân vùng sâu, góp sức tích cực cho thu nhập bình quân đầu người của xã. Đơn cử một số điểm sáng như sau:
HTX Nguyên Khang Garden ở thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng phát triển sản phẩm rau thủy canh theo loại hình công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình. Từ đó, sản phẩm rau thủy canh của HTX được các siêu thị lớn bao tiêu và đem về doanh thu hằng năm hơn 10 tỷ đồng/ha.
Tại huyện Lộc Ninh, việc phát triển bền vững mô hình kinh tế HTX và tổ hợp tác luôn coi trọng, qua đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra. Tuy nhiên, để các mô hình kinh tế hợp tác phát triển bền vững cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Nhờ liên kết sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, HTX trang trại chăn nuôi Lộc An, ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh đã đạt được mục tiêu nâng cao thu nhập cho thành viên. Từ khi tham gia HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cùng bàn để chọn con giống chất lượng, giá trị cao hơn để phát triển, từ đó thu nhập cũng như chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn”. Để nâng cao hiệu quả quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP, HTX lựa chọn con giống có nguồn gốc, cho năng suất, chất lượng cao; đầu tư xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, hạn chế dịch bệnh; đặc biệt là sản xuất chú trọng sản phẩm sạch, an toàn.
HTX Phước Hưng ở ấp 6, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài được biết đến là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất điều theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU, được cấp chứng nhận thương mại công bằng quốc tế. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic của HTX mang lại lợi nhuận cao, xuất khẩu ổn định. Cách làm của HTX đã đóng góp rất lớn thay đổi ý thức canh tác, quản lý môi trường, áp dụng các điều kiện về lao động theo tiêu chuẩn, đã tạo sự lan tỏa trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường thế giới. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các hộ thành viên, HTX cũng tạo được nguồn quỹ phúc lợi giúp thành viên và hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội thiết thực.
HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng có 495 ha điều sản xuất hữu cơ gắn chuỗi giá trị đã được Công ty Organic More bao tiêu 100% sản lượng. Do đó, 266 thành viên của HTX (trong đó hơn 75% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)) đã tăng thu nhập lên trên 10 triệu đồng/hộ so với trước khi tham gia HTX. HTX đã góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rất lớn diện mạo nông thôn của xã vùng sâu, vùng DTTS.
Hợp tác xã nông nghiệp góp phần giảm hộ nghèo
Đánh giá tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về phát triển kinh tế tập thể cho thấy, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt trong việc áp dụng chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, đặc biệt là phát triển hạ tầng nông thôn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và dành nguồn vốn ưu đãi cho thành viên HTX phát triển sản xuất… nhờ đó các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: năm 2016 giảm 1.855 hộ nghèo; năm 2018 giảm 2.146 hộ nghèo; năm 2020 giảm 3.123 hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2020, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp 439.840 tỷ đồng, cùng với chính quyền địa phương xây dựng trên 3.247km đường giao thông theo cơ chế đặc thù, kéo trên 629km điện đường chiếu sáng, trị giá hàng tỷ đồng, qua đó góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp.
Bước vào giai đoạn mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số hiện nay mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tập thể nói riêng, đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân các tổ chức kinh tế tập thể về phát huy nội lực, tự đổi mới phương thức quản lý kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để thích ứng và tận dụng tốt cơ hội duy trì sản xuất kinh doanh, mở rộng hoạt động, thị trường.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy Bình Phước đã xây dựng Chương trình hành động số 35-CTR/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 550 hợp tác xã, 1.500 tổ hợp tác, 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045 phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.