Xuất hiện tại các sân bay và trên mạng Internet, quảng cáo trên bao gồm 3 pa nô, mỗi tấm nắm bắt một khoảnh khắc đột phá khi sự tập trung, lòng kiên nhẫn, và nỗ lực chuẩn bị đem lại kết quả tuyệt vời.

Điều mà người xem không nhìn thấy trong những hình ảnh này là những bước đi dẫn tới mỗi cú đột phá. Và chính những bước đi đó nắm giữ chìa khóa để có thể thấu hiểu về chiến dịch quảng bá thương hiệu của Huawei và chính bản thân Huawei, văn hóa và những giá trị đã đưa Huawei đạt tới vị trí ngày nay.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), người ta có thể đề cập đến nhiều nhân tố giúp dẫn tới thành công: nhân tài, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn, chi mạnh hơn cho quảng cáo, lợi thế người đi đầu, dịch vụ khách hàng vượt trội.

Nhưng dù được tạo nên bởi những yếu tố nào, thì thành công cũng gần như luôn được thể hiện ở dạng kịch tính nhất: nhà vô địch giơ cao cúp chiến thắng, vị doanh nhân giành được hợp đồng lớn, hay khoảnh khắc Eureka khi một bóng đèn được bật lên thắp sáng bóng đêm.

Về mặt bản chất sâu xa, những cú đột phá dường như chẳng đến từ đâu. Nhưng điều gì nằm phía sau những khoảnh khắc tỏa sáng bất ngờ đó?

Câu trả lời luôn nằm ở những năm tháng không ngừng nỗ lực. Những người làm R&D hiểu rằng sự sáng tạo là một sản phẩm đầu ra: một kết quả cuối cùng mà ai cũng có thể nhìn thấy. Điều còn ẩn giấu đối với hầu hết mọi người chính là đầu vào: sự tập trung, kiên trì đầu tư thời gian và tiền bạc, và quyết tâm đạt mục tiêu dài hạn.

Và đó chính là những chủ đề mà chiến dịch quảng bá thương hiệu của Huawei muốn truyền tải. Huawei cảm thấy việc truyền tải những chủ đề này là quan trọng, bởi khi hãng dịch chuyển từ chỗ là một nhà cung cấp B2B các thiết bị Internet thành một thương hiệu toàn cầu, công ty không đơn thuần chỉ bán thiết bị như trước đây nữa. Thay vào đó, công ty cần phải giúp mọi người hiểu Huawei là ai và Huawei đại diện cho điều gì.

Chiến dịch “Cú đột phá Huawei” là bước đầu tiên đi theo hướng đó. Mỗi trong số ba hình ảnh của chiến dịch này cho thấy một giai đoạn thành công khác nhau của Huawei.

Hình ảnh đầu tiên nắm bắt khoảnh khắc khi một ngư dân người Congo quăng tấm lưới lớn để bắt một con cá giữa dòng nước xiết của con sông Lualaba. Người ngư dân đã chọn đúng lúc để quăng lưới, giữ tập trung cao độ giữa dòng nước hung dữ, và đã bắt được con cá vào thời điểm quyết định. Trong thời điểm đó, người ngư dân đã cố gắng trụ vững để không bị dòng nước xô ngã.

Hình ảnh thứ hai cho thấy cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học ở CERN đã mất hàng thập kỷ và hơn 9 tỷ USD để phát triển một cỗ máy đủ tinh vi để phát hiện Higgs Boson, một hạt dưới nguyên tử có một vai trò rất quan trọng giúp chúng ta hiểu được hành tinh này, đến nỗi hạt này được biết đến với tên gọi “hạt của Chúa”.

Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ thập niên 1960. CERN đã công bố phát hiện ra “hạt của Chúa” vào năm 2012, khi hàng thập kỷ đầu tư kiên trì đã dẫn tới một trong những cú đột phá lớn nhất của ngành vật lý học thời hiện đại.

Hình ảnh thứ ba cho thấy Florence Griffith-Joyner, người giữ kỷ lục thế giới môn chạy 100 mét dành cho nữ, đang cán đích với hai tay giơ cao mừng chiến thắng. Bức ảnh nắm bắt một khoảnh khắc thành công, nhưng điều ẩn giấu chính là những năm tháng rèn luyện để đạt tới thành công này.

Không giống như những quảng cáo trước đây của Huawei, hay bất kỳ quảng cáo nào khác của một công ty Trung Quốc, chiến dịch này phản ánh lịch sử 28 năm của Huawei: những năm tháng khó khăn, những sự khởi đầu thất bại, cũng như những thành tự công nghệ và sự tăng trưởng của công ty. Quảng cáo này được dựa trên một câu nói gồm 4 chữ của người Trung Quốc “厚积薄发”(hòu jī bó fā), có nghĩa là “bất ngờ vươn lên sau những nỗ lực không ngừng”. Bốn từ đơn giản này kể một câu chuyện đơn giản nhưng đầy sức mạnh về việc lựa chọn mục tiêu, gắn bó với mục tiêu đã chọn, và cuối cùng là gặt hái thành quả.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng điện thoại di động của Huawei là một ví dụ hoàn hảo về sự tập trung, kiên trì, và cú đột phá dường như là bất ngờ. Đầu tư vào ICT có thể phải theo những giai đoạn kéo dài. Chẳng hạn, giữa các thế hệ công nghệ điện thoại di động (2G, 3G, 4G) có thể là thời gian cả thập kỷ. Sự kéo dài thời gian này đòi hỏi các công ty phải có tầm nhìn dài hạn và tránh bị phân tán bởi những cơ hội nhất thời. Nếu sự tập trung đặt nền móng cho đột phá, thì sự kiên trì lại chính là chất xúc tác. Thời gian cần thiết để đạt được những đột phá đó, cho dù là tháng, năm, hay thập kỷ, cũng đều khiến cho khoảnh khắc chiến thắng cuối cùng trở nên ngọt ngào hơn.