Bước đi của Huawei cho thấy công ty có thể đang triển khai kế hoạch dự phòng tại các thị trường trọng điểm sau lệnh cấm của Mỹ. Tháng trước, Mỹ đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại, khiến các hãng như Google – chủ sở hữu Android – không thể giao dịch với đối tác Trung Quốc.
Kể từ đó, Huawei đã nộp đơn đăng ký thương hiệu Hongmeng tại các nước Campuchia, Canada, Hàn Quốc và New Zealand, theo dữ liệu từ Tổ chức Tài sản sở hữu trí tuệ thuế giới (WIPO) của Liên Hợp quốc. Huawei nộp hồ sơ tại Peru ngày 27/5, theo cơ quan chống độc quyền Indecopi.
Trong cuộc phỏng vấn đầu năm nay với tờ báo Die Welt của Đức, ông Richard Yu, CEO bộ phận tiêu dùng Huawei, cho hay công ty có hệ điều hành dự phòng trong trường hợp bị cấm dùng phần mềm của Mỹ. Hãng vẫn chưa tiết lộ chi tiết về nền tảng này.
Hồ sơ đăng ký thương hiệu Hongmeng chỉ ra Huawei muốn dùng “Hongmeng” cho các thiết bị từ smartphone, máy tính xách tay đến robot, truyền hình trong xe hơi.
Tại Trung Quốc, Huawei đăng ký thương hiệu Hongmeng vào tháng 8/2018 và vừa được thông qua vào tháng trước, theo hồ sơ trên website cơ quan quản lý tài sản sở hữu trí tuệ Trung Quốc.
Theo dữ liệu WIPO, hồ sơ đăng ký thương hiệu Hongmeng được nộp sớm nhất vào ngày 14/5 tại Văn phòng Tài sản sở hữu trí tuệ EU và Hàn Quốc, tức là ngay sau khi Mỹ đánh tiếng sẽ cho Huawei vào danh sách đen.
Chính phủ Mỹ cáo buộc router, switch và các thiết bị Huawei có “cửa hậu” để Trung Quốc gián điệp thông tin Mỹ. Dù Huawei liên tiếp bác bỏ, người dùng vẫn lo ngại khi vấn đề ngày một leo thang. Nhiều người tìm cách bán tháo thiết bị vì sợ rằng nó không được cập nhật Android nữa.
Huawei có tham vọng trở thành hãng sản xuất smartphone số 1 thế giới trong quý IV năm nay nhưng nay kế hoạch này phải tạm hoãn.