Chỉ vài ngày sau khi ra mắt chính thức, smartphone màn hình gập Samsung Galaxy Fold đã gặp phải một đối thủ xứng tầm, Huawei Mate X. Cũng là smartphone màn hình gập, nhưng Mate X có cách tiếp cận trái ngược với Samsung khi gập ra ngoài thay vì gập vào trong.
Ngoài ra, Huawei Mate X còn tạo nên điểm nhấn với kích thước màn hình của mình. Khi mở ra, Mate X trở thành một chiếc tablet màn hình 8 inch, còn khi gập lại thiết bị này trở thành một smartphone khổng lồ với màn hình chính 6,6 inch và màn hình phụ 6,4 inch – một smartphone khổng lồ ngay cả khi gập lại.
Thiết kế gập ngược vào trong của Mate X mang lại cho nhà sản xuất hai ưu điểm. Một là nhà sản xuất chỉ phải sử dụng một màn hình OLED để đảm nhiệm cả chức năng của điện thoại khi gập lại và chức năng của tablet khi mở ra. Đặc biệt thiết kế này cho phép nhà sản xuất có thể gấp kín khí hai nửa thiết bị lại với nhau mà không sợ làm hỏng màn hình cảm ứng.
Tuy vậy, một điều dễ thấy là thiết kế này cũng làm màn hình dễ hỏng hơn khi thường xuyên tiếp xúc với lực tác động từ bên ngoài. Huawei cũng đã lường trước đến điều này khi trang bị sẵn cho Mate X một case bảo vệ cả màn hình và cạnh máy.
Khi mở máy, nhân viên Huawei đã chạm phải ứng dụng đặt ở bản lề và phải vội thoát ra.
Nhưng thiết kế này còn làm nảy sinh một vấn đề khác trong quá trình sử dụng mà có lẽ chính công ty cũng không ngờ tới: Người dùng rất dễ bấm nhầm vào các ứng dụng trên màn hình trong quá trình đóng mở máy – ngay cả chính nhân viên trình diễn của Huawei cũng gặp phải vấn đề đó.
Dù cho các phóng viên được tiếp xúc với chiếc Huawei Mate X tại MWC 2019, nhưng họ không được trực tiếp sử dụng mà sẽ có nhân viên Huawei thực hiện các thao tác để người xem chứng kiến.
Vẫn là một ứng dụng đặt ở vị trí bản lề bị mở nhầm
Việc ấn nhầm vào các ứng dụng trên màn hình Mate X gần như không thể tránh khỏi, đặc biệt khi bạn dùng một tay để đóng mở thiết bị. (Ngoài ra, do có kích thước khá lớn, Mate X gần như không thể mở được bằng một tay). Dù chỉ là một sơ suất nhỏ nhưng nó khá khó chịu vì người dùng phải thêm một hai thao tác nữa để thoát khỏi ứng dụng bị bấm nhầm đó.
Hiện tại, cách đơn giản nhất để tránh bị ấn nhầm là phần giữa màn hình cảm ứng sẽ được để trống và không đặt ứng dụng nào ở đó.
Chỉ với màn hình không có các ứng dụng ở bản lề mới tránh được chuyện ấn nhầm ứng dụng.
Trong khi đó, thiết kế dạng mở ra ngoài của Galaxy Fold lại hoàn toàn không gây ra vấn đề này. Khi bắt đầu mở máy, màn hình vẫn tối và tính năng cảm ứng vẫn chưa được kích hoạt, vì vậy ngón tay người dùng sẽ không thể kích hoạt nhầm ứng dụng trên màn hình.
Trong khi đó, việc bấm nhầm ứng dụng là không thể với Galaxy Fold.
Hơn nữa, thiết kế mở ra ngoài của Galaxy Fold còn mang đến một hệ quả hiển nhiên khác: đó là màn hình cảm ứng lớn bên trong sẽ an toàn hơn trước các tác động từ bên ngoài, thậm chí có thể sống sót khi bị thả rơi.
Khác biệt cả về cách tiếp cận cũng như công năng sử dụng
Có thể xem Huawei Mate X như một chiếc tablet màn hình gập. Dường như công ty muốn tận dụng công nghệ màn hình gập để tạo nên một thiết bị màn hình lớn nhất có thể mà vẫn tiện dụng cho việc di chuyển. Hơn nữa với thiết kế dùng chung một màn hình, khi màn hình tablet lớn như vậy, kết quả là tạo nên một chiếc smartphone với màn hình khổng lồ - đến 6,6 inch - và gần như không thể dùng bằng một tay.
Hai cách tiếp cận khác nhau tạo nên hai thiết bị khác nhau.
Trong khi đó, Samsung lại chọn cách tiếp cận ngược lại. Tạo nên một chiếc smartphone với màn hình lớn nhất có thể nhưng nhỏ gọn nhất có thể. Với thiết kế hai màn hình riêng biệt, Galaxy Fold sẽ giống như một thiết bị hai trong một.
Khi gập lại, Galaxy Fold đủ nhỏ gọn để có thể thao tác thoải mái bằng một tay. Và khi mở ra, Fold chuyển thành một chiếc tablet màn hình lớn, cho phép người dùng thao tác đa nhiệm với nhiều ứng dụng hơn. Rõ ràng cả hai đều có lý do chính đáng cho cách tiếp cận của mình, và chúng hướng đến những đối tượng người dùng hoàn toàn khác nhau.