Theo tính toán của Bloomberg, doanh thu Huawei tăng 7,2% trong quý IV lên 191 tỷ NDT (27,4 tỷ USD) nhờ các lĩnh vực mới như xe thông minh hay dịch vụ đám mây. Doanh thu cả năm đạt 636,9 tỷ NDT, tăng trưởng so với năm 2021.

Huawei gặp nhiều khó khăn với các lệnh cấm của Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

Huawei đang tìm kiếm các thị trường và mảng kinh doanh mới sau khi các lệnh cấm vận của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận smartphone. Nằm trong số các đòn trừng phạt là lệnh cấm các hãng chip bán hàng cho Huawei, gây trở ngại cho đơn vị thiết kế chip HiSilicon.

Trong thông điệp đầu năm mới, Chủ tịch luân phiên Eric Xu cảnh báo nhân viên về bất ổn vĩ mô năm 2023. Dù vậy, ông cho rằng nhu cầu lâu dài đối với công nghệ sẽ không bị tác động. Ông không nhắc cụ thể về cách Huawei vượt qua các hạn chế xuất khẩu, song trong 3 năm qua, công ty đã dành phần lớn thời gian để phát triển, nghiên cứu và tìm kiếm thay thế cho các linh kiện Mỹ.

“Năm 2022, chúng ta thành công thoát khỏi chế độ khủng hoảng. Các hạn chế của Mỹ trở thành điều bình thường mới của chúng ta và chúng ta đã quay lại kinh doanh như bình thường. Môi trường vĩ mô có thể đầy rẫy không chắc chắn nhưng điều chúng ta có thể chắc chắn là số hóa và phi carbon hóa sẽ tiếp diễn, chúng là nơi có cơ hội tương lai”, ông nhắn nhủ.

Bên cạnh đó, Huawei cũng đa dạng hóa nguồn thu bằng cách bán giấy phép sử dụng bằng sáng chế, dịch vụ công nghệ và thiết bị không dây cho các khách hàng mới, từ nhà sản xuất xe hơi đến mỏ than, khu công nghiệp. Công ty bắt đầu thu phí bản quyền từ các thương hiệu smartphone lớn như Apple, Samsung.

Theo Alan Fan, Giám đốc Bản quyền Huawei, họ đã ký hơn 20 thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế năm nay, bao trùm các lĩnh vực smartphone, xe thông minh, mạng lưới, IoT. “Chúng ta đã vượt qua khó khăn vì chiến đầu cùng nhau như một thể thống nhất. 2023 sẽ là năm đầu tiên chúng ta quay lại kinh doanh như bình thường với các hạn chế bên ngoài vẫn tiếp tục”, ông viết.

(Theo Bloomberg)