Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2022, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã có 11 xã về đích nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 09 đến 12 tiêu chí. Trong đó xã Hùng Đức đạt 11/19 tiêu chí. 

Hùng Đức là 01 trong 03 xã nằm trong kế hoạch của huyện Hàm Yên đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Hùng Đức đã tích cực triển khai các hoạt động với tinh thần quyết tâm phấn đấu về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch, nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. 

img-20230405-1328072-1.jpg
Hùng Đức là 01 trong 03 xã của huyện Hàm Yên đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. 

Nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, cán bộ và nhân dân xã Hùng Đức đã tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở quyết tâm cán đích theo kế hoạch.

Từ năm 2011 đến nay, đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình cơ sở hạ tầng nông thôn tiêu biểu như: xây dựng 60,46 km đường giao thông (gồm đường trục xã: 23,23km; trục thôn: 24,8 km; ngõ xóm: 7,19 km, nội đồng: 5,24 km); xây dựng mới 20 nhà văn hóa thôn, xóa 34 nhà tạm, dột nát cho 34 hộ nghèo trong xã. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, song với quyết tâm về đích đúng thời hạn, cán bộ và nhân dân xã Hùng Đức đang dồn sức để hoàn thiện các tiêu chí còn lại là (Quy hoạch; Giao thông; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Nghèo đa chiều; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Môi trường và an toàn thực phẩm) bằng việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đó là xây dựng thêm 9,19 km đường giao thông (5,13 km đường trục xã, 1,92 km đường thôn, 1,3 km đường ngõ xóm, 0,84 km đường nội đồng); xây dựng 01 nhà văn hoá xã; 03 trường học; 01 nghĩa trang xã theo quy hoạch, đặc biệt xóa nốt 08 nhà tạm, dột nát...

Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, Hùng Đức cũng xác định phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. 

Với thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua địa phương đã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và khuyến khích lao động nhàn rỗi tìm việc làm, hỗ trợ vốn vay thông qua liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội… 

Cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm, phấn đấu hết năm 2023 đạt trên 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 12,99%.

Với tiêu chí môi trường, cấp ủy, chính quyền xã Hùng Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn xã thường xuyên vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm, chủ động phân loại thu gom rác thải để đúng nơi quy định. Xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thành lập các tổ thu gom, phân loại rác. 

Đến nay, tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt trên 90%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72,6; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường 67,69%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt trên 70%; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường.

Để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, xã Hùng Đức xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt nên thường xuyên đẩy mạnh truyền thông về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phải làm sâu rộng để nâng cao nhận thức trong nhân dân về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. 

Xây dựng nông thôn mới cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc. 

Địa phương xác định nguồn vốn xây dựng nông thôn mới là rất lớn, do vậy, cần phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực theo phương châm huy động nguồn lực xã hội hóa là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết. 

Trong quá trình triển khai thực hiện phải luôn bảo đảm sự công khai, minh bạch, tuân thủ chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó củng cố thêm niềm tin để mọi tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau xây dựng nông thôn mới vững chắc.

Võ Thu và nhóm PV, BTV