Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 (Chương trình OCOP) được tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018. Sau 6 năm thực hiện, Chương trình OCOP của Hưng Yên đã tạo ra sức lan toả sâu rộng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, song song với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Bình Kiều (huyện Khoái Châu) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ sản xuất tiêu biểu, thế mạnh.
Hiện xã có 5 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận gồm chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối quả tươi, long nhãn và nước sung. Các sản phẩm được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, một số sản phẩm có mô hình ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực được bán qua kênh TMĐT đạt trên 15%.
Phát huy thế mạnh của xã là cây ăn quả, năm 2016, HTX nông nghiệp sạch Minh Bảo ở xã Bình Kiều được thành lập và tập trung sản xuất các giống nhãn chất lượng cao như T1, T6, Siêu ngọt nhằm đáp ứng thị trường. Hiện nay, HTX có 2 vùng trồng nhãn liên kết với khoảng trên 200 hộ dân, trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 29ha. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt việc sản xuất theo quy trình VietGap, HTX đã chủ động tìm kiếm các thị trường tiêu thụ có giá trị cao. Nhờ đó toàn bộ số nhãn của các thành viên HTX đều được tiêu thụ với giá cao hơn gấp 3 lần so với các hộ không tham gia liên kết.
Hiện nay, xã Bình Kiều có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn; là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân nhằm thực hiện tiêu chí số 13 – hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Kiều Hoàng Văn Long, cho biết, năm 2023, xã Bình Kiều được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trong đó, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn của xã được ngành chức năng đánh giá bảo đảm đạt yêu cầu, nhiều chỉ tiêu đạt cao.
Tại huyện Khoái Châu hiện đang có 35 sản phẩm OCOP của 15 chủ thể được xếp hạng 3,4 sao. Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm từ 5-8 sản phẩm đặc trưng của huyện được công nhận sản phẩm OCOP, tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản tươi.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, sau 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, số lượng sản phẩm OCOP của Hưng Yên tăng qua từng năm và chất lượng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 271 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao của 109 chủ thể gồm: 53 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp, 12 tổ hợp tác và 31 hộ kinh doanh.
Song song với việc xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể OCOP chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; quảng bá qua các trang mạng xã hội facebook, zalo... nên nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều khách hàng trong nước biết đến, giúp thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn trước, hiệu quả kinh tế tăng cao so với trước.
Cùng với sự chủ động của các chủ thể sản phẩm OCOP, các cấp, ngành liên quan cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ áp dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ.
Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát triển các “gian hàng OCOP” giữa chủ thể sản xuất và các sàn TMĐT; giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT như voso, shopee, postmart...; đưa lên cổng thông tin điện tử ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, các trang mạng giới thiệu sản phẩm OCOP Hưng Yên; tổ chức bán hàng online trên nền tảng Tiktok, Zalo, Facebook...
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: Nanocurcumin, tinh bột nghệ, bột nghệ, curcumin bột, sữa nghệ Nano Collagen, long nhãn, long nhãn ôm sen, mật ong hóa nhãn, thịt gà Đông Tảo, giò lụa gà Đông Tảo, giò xào gà Đông Tảo... được xây dựng clip, số hóa thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số.
Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hiện 100% các chủ thể sản phẩm OCOP trong tỉnh đã thực hiện quảng bá, tiêu thụ thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Tiktok, Facebook, Youtube; trên 80% số chủ thể đã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT: postmart, voso…
Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm OCOP trung bình 15-20%, góp phần giúp sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường.