Bên cạnh việc sử dụng vắc-xin thì vấn đề vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N1 và các chủng cúm gia cầm độc lực cao khác.  

Tuy nhiên thực tế, vệ sinh tiêu độc chuồng trại chưa được quan tâm đúng mức vì hiệu quả không thấy ngay được trước mắt, không có tác dụng trực tiếp ngay như việc sử dụng thức ăn hay thuốc thú y.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh đã hướng dẫn người dân cách khử trùng, tiêu độc sao cho hiệu quả.

{keywords}
Ảnh minh họa: Bạch Hân 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tiêu độc chỉ có ý nghĩa thực sự khi cùng tiến hành các biện pháp phòng chống bệnh tổng hợp, vì tiêu diệt mầm bệnh ở ngoại cảnh vẫn không loại trừ được mầm bệnh (khi nguồn bệnh là vật mang trùng mà ta không nhận biết được).

Đối tượng tiêu độc: chuồng trại, sân phơi, bãi chăn, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ đã tiếp xúc với động vật, phương tiện vận chuyển động vật, nguyên liệu động vật (da, lông,...), các nơi chế biến và lưu trữ nguyên liệu động vật, thức ăn nước uống, thân thể động vật, tay chân và quần áo của người,...

Cơ quan chuyên môn này cũng đưa ra một số lưu ý quan trọng, cụ thể:

Lựa chọn đúng hóa chất khử trùng, xác định tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm..) của trại,  bởi vì mỗi loại hóa chất sát trùng sẽ có hiệu quả đặc hiệu cho từng loại đối tượng (mỗi loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh sẽ mẫn cảm với từng loại hóa chất).

Loại hóa chất sử dụng có an toàn cho người sử dụng hay không? Thời gian, khoảng cách sát trùng, phương pháp sát trùng? Vì mỗi loại thuốc sát trùng có thời gian tác dụng khác nhau, trên các bề mặt khác (thuốc có tác dụng nhất ở nhiệt độ nào? Bề mặt sát trùng khô hay ướt?

Cần khử trùng phần nào của trại? (chuồng nuôi, dụng cụ, nước, phương tiện vận chuyển, người ra vào).

Sau khi xác định rõ các yếu tố trên, người chăn nuôi thực hiện tiêu độc cơ học trước. Đây là bước quan trọng, bao gồm dọn dẹp toàn bộ chất hữu cơ có trong chuồng trại một cách triệt để. Tiến hành rửa cọ bằng nước, bước này làm giảm đi mật số vi sinh vật và bề mặt chuồng trại, để làm tiền đề cho các bước sau.

Tiếp đến là tiêu độc vật lý. Sau khi quét dọn sạch, nếu không dùng hóa chất có thể dùng nước sôi, lửa để diệt các tác nhân gây bệnh trong chuồng. Cuối cùng là tiêu độc bằng hóa học: Đây là phương pháp được dùng rộng rãi nhất trong thú y. Các chất hóa học dùng để tiêu độc có điểm chung là có tác dụng một cách toàn bộ, không chọn lọc lên tế bào vi sinh vật hoặc virion của virut như làm biến chất protein (như formol, phenol,...), làm kết tủa protein (như muối của kim loại nặng, ethanol,...), tác dụng làm tan cấu trúc màng tế bào chất (ethanol, ether,...) hoặc tác dụng lên các chất cần thiết cho đời sống vi khuẩn, biến các chất này thành chất trung gian có tính độc đối với chúng.

Hiệu lực tiêu độc phụ thuộc vào cấu tạo chuồng trại. Tường, nền chuồng, sân chơi bằng phẳng thì hiệu lực tiêu độc cao hơn gồ ghề. Phải tiêu độc cơ giới trước khi tiêu độc hóa học.

Ngoài ra, có thể dùng nước sôi dội, hun trấu, rắc vôi bột, quét vôi... để tiêu độc đối với một số lớn bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trên vật nuôi.

Bên trong và bên ngoài phương tiện vận chuyển cần phun khí dung hoặc dội dung dịch hóa chất tiêu độc. Sau 2 - 3 giờ dội bằng nước nóng. Phân và nguyên liệu của động vật bệnh hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có nha bào (bệnh nhiệt thán, ung khí thán...) cần phải đốt. Dùng chất tiêu độc mạnh tưới vào các phương tiện vận chuyển.

Bên cạnh tiêu độc chuồng trại, người chăn nuôi cần lưu ý tiêu độc dụng cụ bằng cách sử dụng nhiệt độ cao (đốt, hơ lửa, đun sôi) để tiêu độc dụng cụ.

Với các trang trại chăn nuôi tập trung nên áp dụng những trang thiết bị cơ giới dùng để tiêu độc, vừa làm giảm nhẹ sức lao động của con người tiêu độc, vừa làm tăng hiệu quả tiêu độc.

Ông Gia Văn Quân – một hộ chăn nuôi ở Gia Bình (Bắc Ninh) chia sẻ: “Trước đây tôi vẫn tự vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo cách thủ công nhưng kết quả chưa cao. Từ khi áp dụng theo cách này, chuồng trại của gia đình tôi lúc nào cũng thông thoáng, đàn vật nuôi ít ốm hơn”.

Bạch Hân