Lộ trình thực hiện chuyển đổi số ở Quảng Nam được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ với VietNamNet. Cùng với việc chuyển đổi số của chính quyền, công nghệ cần phải giúp người dân kiếm được tiền. Hiện tỉnh có một hệ sinh thái chuyển đổi số, tất cả những phần mềm được kết nối với hệ sinh thái chung của tỉnh.

Mỗi xã được cấp 100 triệu đồng để chuyển đổi số...

Thưa ông, năm vừa qua, tỉnh Quảng Nam áp dụng chuyển đổi số về cải cách hành chính, vậy địa phương đã thực hiện như thế nào?

Ông Hồ Quang Bửu: UBND tỉnh đã có Nghị quyết cải cách hành chính về chuyển đổi số để vận dụng công nghệ vào công việc hàng ngày. Chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề chính, thứ nhất về nguồn lực, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ cho các huyện, thị, thành phố 1 tỉ đồng để chuyển đổi số, trong đó, mỗi xã được cấp 100 triệu đồng.

Thứ hai, về tổ chức, địa phương thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số. Tỉnh có 241 xã trong toàn tỉnh và 1.240 tổ dân phố và thôn. Mỗi khu vực sẽ có một ban chỉ đạo để kết nối trên mọi lĩnh vực. Thứ ba, về định hướng phát triển, cần có sự liên kết giữa Trung ương, tỉnh, huyện đến xã. Nguồn lực ở đây là toàn bộ xã hội.

{keywords}
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Vậy ông có thể cho biết Quảng Nam đã đạt được những kết quả gì?

Vừa qua, nhờ áp dụng công nghệ vào công việc, Quảng Nam đã cập nhật rất đầy đủ cơ sở dữ liệu về Covid-19 và quản lý F1, F0 tại nhà. Chúng tôi đã thực hiện khoanh vùng, xây dựng bản đồ Covid để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin. Một điều nữa, địa phương đã truyền thông trên mọi phương diện, hàng ngày có bản tin Covid-19 riêng trên ứng dụng Zalo với 100.000 người tiếp cận thông qua tin nhắn 1022 Quảng Nam.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng một ứng dụng Smart Quảng Nam cho người dân, ở đây có nhiều thông tin người dùng quan tâm như: Thông tin Covid-19, phản ánh kiến nghị, dịch vụ công, du lịch… Ví như việc cháy rừng, người dân dễ dàng thấy được những địa điểm đang có nguy cơ ngay trên ứng dụng Smart Quảng Nam tại mục Lâm nghiệp (liên tục được cập nhật những cảnh báo).

Ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, quản lý đất đai cũng có những thành tựu nổi bật riêng của từng mảng. Tỉnh đưa ra một môi trường thông tin chung để các địa phương, đơn vị cập nhật, trao đổi thường xuyên.

Tỉnh đã gặp những khó khăn gì trong công cuộc chuyển đổi số, thưa ông?

Khi chuyển từ thủ công sang công nghệ thì cần phải thay đổi nhận thức, vì chuyển đổi một cách làm truyền thống sang cách vận hành mới cần phải có thời gian thích ứng. Nhưng nếu ứng dụng công nghệ mà không thích ứng nhanh sẽ lạc hậu so với thời đại. Nên việc làm nhanh và đúng cần thực hiện đồng thời với nhau.

Một vấn đề khá quan trọng, chuyển đổi số cần đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn đều phải đồng hành, đó mới là điều quan trọng. Chung quy lại, muốn chuyển đổi số thì tất cả mọi người trong xã hội đều phải đồng lòng chung sức.

Đặc biệt, người dân không phải ai cũng tiếp cận 100% công nghệ, trong khi đó người dân là chủ thể quan trọng nhất mà chúng tôi muốn hướng đến. Ngoài ra, việc chuyển đổi số sẽ dẫn đến việc dôi dư nhân sự khi áp dụng công nghệ vào thủ tục hành chính.

Làm thế nào để người dân có thể kiếm ra tiền từ ứng dụng công nghệ? Trong năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam có những phương án gì để nâng cấp về chuyển đổi số?

Trong năm 2022, chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất, việc quản lý chuyển đổi số cần chuyên nghiệp, thông suốt. Dữ liệu phải thật, không chỉ đơn giản những mục lục trên ứng dụng mà nội dung phải đầy đủ, chất lượng.

Thứ hai, chuyển đổi số cho người dân. Trước mắt, tỉnh sẽ bắt wifi miễn phí đến các thôn, tổ dân phố, từ đó vận động người dân dùng đường cáp quang vào nhà. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp khuyến mãi cho người dân về giá cả khi lắp wifi, ví dụ như 2 hộ gia đình dùng chung một đường cáp quang, số tiền được chia ra, và việc sử dụng mạng rất dễ dàng đối với nhân dân.

Tiếp nữa, việc các doanh nghiệp như Viettel, Bưu điện về đến nhà hỗ trợ cho người dân các thủ tục đăng ký là điều đã được triển khai và sẽ phải làm tốt hơn.

Đặc biệt, chuyển đổi số nhằm hướng đến một mục đích rất thực tế: Làm thế nào để người dân có thể kiếm ra tiền từ ứng dụng công nghệ? Ví dụ, hộ dân trồng vườn rau thì chuyển hóa thành một nơi bán rau trực tuyến chứ không trực tiếp như hiện nay. Để thực hiện được điều đó cần có sự góp sức của chính quyền, doanh nghiệp và chính người dân.

Thứ ba, chuyển đổi số doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Nam hiện đang hợp tác với nhiều tập đoàn như FPT, Viettel, VNPT và nhiều công ty khác. Những tập đoàn, công ty công nghệ này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trên địa bàn để hòa chung xu thế chuyển đổi số.

Một điều nữa chúng tôi dự định làm là về quản lý đất đai. Tỉnh đang minh bạch rõ ràng việc ra giá, chỗ nào đền bù, chỗ nào đất sạch được thông tin kỹ trên ứng dụng.

Trong năm 2022, chúng tôi cũng sẽ phấn đấu hoàn thành số hoá dữ liệu hồ sơ hộ tịch từ khi sinh ra đến hiện tại của mỗi cá nhân.

Để thực hiện thành công lộ trình đặt ra trong quá trình chuyển đổi số, điều trăn trở và mong muốn của ông là gì?

Như đã nói, tỉnh đã xây dựng Smart Quảng Nam - là ứng dụng trên thiết bị di động dành cho người dân và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam, kết nối người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Đây cũng là điều trăn trở chung của chính quyền, làm thế nào để người dân tiếp cận được thông tin nhanh, chính xác nhất.

Bên cạnh việc phát triển chuyển đổi số của tỉnh nhà, chúng tôi thực sự mong muốn Trung ương có một cơ sở dữ liệu chung để liên kết tất cả các tỉnh, thành lại với nhau. Dữ liệu được chia sẻ giữa các tỉnh với nhau thì việc so sánh, đối chiếu cũng như nhìn nhận xem địa phương mình được hay chưa được điều gì là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, các đơn vị chủ quản muốn làm chuyển đổi số thì phải có dữ liệu. Ví dụ, Sở Công Thương chủ quản thì cần liên thông được dữ liệu ngành từ thôn, xã, huyện lên tỉnh. Việc liên kết dữ liệu giữa các sở với nhau là việc của Sở Thông tin Truyền thông. Sở này có nhiệm vụ tạo ra phần mềm kết nối.

Kiều Oanh - Công Sáng (Thực hiện)

 

Một cú liều thắng lớn, lão nông số một Việt Nam thu 25 tỷ/năm

Một cú liều thắng lớn, lão nông số một Việt Nam thu 25 tỷ/năm

Nhờ công nghệ số nên công nhân chỉ cần cầm smartphone mở app, sau vài cú “gẩy tay”, hệ thống máy ở các ao tự động cho tôm ăn. Muốn biết kích cỡ tôm cũng chỉ việc mở app chụp ảnh con tôm cho ra ngay kết quả chính xác.