Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quân đội, công an vào cuộc triển khai việc hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc để TP.HCM thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo có thể huy động lực lượng y tế của công an và quân đội hỗ trợ trong công tác tiêm vắc xin.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về vấn đề này.

TP.HCM khỏe cả nước mới khỏe

Theo ông, việc Thủ tướng yêu cầu huy động quân đội, công an vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?

Mặc dù TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã nỗ lực rất nhiều, họ đã làm hết sức mình  để phòng chống dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, hơn 2 tháng thực hiện giãn cách nhưng chưa có hiệu quả.

Chính phủ xác định “chống dịch như chống giặc”, mà giặc ở đây lại là kẻ thù giấu mặt, tấn công vào cộng đồng dân cư của mình một cách vô hình, gây nên chết chóc, tang thương, số lượng F0 hiện vẫn còn nhiều. Điều đó cho thấy kẻ thù giấu mặt này đã làm chúng ta thương vong quá lớn.

Với tình hình hiện nay đã hình thành thế trận “chống dịch” thì phải tăng cường lực lượng. Trong đó, lực lượng quân đội là lực lượng tác chiến, hỗ trợ cùng quân, dân, chính Đảng TP.HCM để làm sao tác chiến nhịp nhàng chiến thắng kẻ thù giấu mặt này trong thời gian nhanh nhất.

Nếu để kéo dài như hiện nay rất là nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn kéo theo bao nhiêu hệ lụy về lâu dài. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quận đội, công an đi đến một quyết định rất mạnh mẽ như thế.

Việc này cũng là thực hiện theo các quy định của pháp luật khi tình hình đất nước rơi vào những trạng thái thiên tai, dịch họa thì cần sự tham gia của lực lượng mạnh nhất, đó là lực lượng vũ trang.

Khi lực lượng quân đội, công an vào cuộc hỗ trợ TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, chuyên trách một số nhiệm vụ cụ thể như chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho dân, hỗ trợ điều trị, tiêm vắc xin… thì hiệu quả phòng chống dịch sẽ nhanh hơn.

Đây là một quyết định đúng đắn với thế trận đúng nghĩa “chống dịch như chống giặc”. Từ đó tạo nên sự chuyển biến tích cực.

Ngoài sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, hôm qua Thủ tướng cũng yêu cầu 40 tỉnh thành chi viện nhân lực y tế cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam chống dịch. Động thái này nói lên điều gì, thưa ông?

Cấp ủy, chính quyền TP.HCM vừa qua đã căng mình ngày đêm vừa lo chống dịch, vừa lo y tế và tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, bơi trên nhiều mặt trận nên đã quá sức rồi. Trong đó, mặt trận y tế cũng đã thật sự quá tải.

Cho nên đợt này, các lãnh đạo muốn huy động tổng lực tập trung làm sao để chia tách, phân khu từng khu dân cư, càng nhỏ càng tốt để truy vết, kiểm soát dịch càng nhanh càng tốt. Sự hỗ trợ của lực lượng y tế của cả nước sẽ giúp TP.HCM trong điều trị, giảm thiểu tử vong cũng như các ca bệnh nặng.

Việc tăng cường một lực lượng lớn cả quân đội, công an và y tế vào cuộc là một quyết sách cực kỳ táo bạo để làm sao sớm kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

{keywords}
Sáng 21/8, Học viện Quân y đã tăng cường 300 y, bác sĩ vào các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Thường

Nếu dập được dịch ở TP.HCM thì đương nhiên sẽ dập được dịch ở những nơi khác và tạo được sự an toàn cho cả nước, trong đó có cả Hà Nội. Vì giữa TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố bắt buộc phải có nhiều hoạt động giao thương về kinh tế, chính trị, xã hội…

Cho nên TP.HCM an toàn, thì Hà Nội và cả nước an toàn; TP.HCM khỏe thì cả nước và Hà Nội khỏe. Vì vậy, việc cả nước chi viện cho TP.HCM cũng là vì sự an toàn của chính các địa phương.

Vậy có thể thấy các quyết sách của Chính phủ đưa ra lần này để phòng chống dịch tại TP.HCM như là một cuộc “tổng tiến công”?

Bài học kinh nghiệm đó là đến mức lực lượng y tế tại chỗ không còn đủ sức để chống chọi nữa thì bắt buộc lực lượng y tế từ các vùng khác tăng cường. Cùng với đó là huy động lực lượng vũ trang thực hiện tác chiến bằng các nghiệp vụ của mình để hỗ trợ cho lực lượng y tế dập dịch nhanh nhất và cuối cùng họ thành công.

Đến nước này, chúng ta cần nâng mức cảnh báo nguy hiểm lên để áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhất mà luật pháp cho phép.

Một mắt xích nhỏ vô ý thức sẽ làm phá vỡ mọi nỗ lực

Chính phủ đã rất quyết liệt và đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ nhưng “một bàn tay thì không thể vỗ nên tiếng”. Để dập dịch thành công, theo ông vai trò của người dân phải như thế nào?

Trong phòng chống dịch đòi hỏi phải là một vòng tròn khép kín, chỉ cần một mắt xích nhỏ nhất trong vòng tròn đó thiếu trách nhiệm, vô ý thức thì dẫn đến phá vỡ cả vòng tròn đang làm chặt chẽ.

Mọi người dân cần phải ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch một cách nhiệt tình và nghiêm túc nhất. Chống dịch thành công hay không ngoài các biện pháp của Chính phủ, chính quyền địa phương còn phụ thuộc vào ý thức của mọi người dân. Tất cả chúng ta phải có ý thức để thực hiện 5K và nếu không cần thiết thì không ra ngoài. Đây cũng là loại vắc xin quan trọng lúc này.

{keywords}
Các lực lượng tại TP.HCM đăng căng mình chống dịch. Ảnh: Thanh Tùng

Mỗi người dân hay nghĩ rằng nếu mình vô tình, thiếu ý thức mà nhiễm dịch làm lây cho người khác, lây cho cộng động thì đó là một cái tội lỗi lớn. Phải luôn luôn nghĩ như thế.

Tôi rất phản đối với những trường hợp có thái độ chống đối, bất hợp tác rồi nói những lời lẽ không hay ho, ý thức rất là kém khi mà lực lượng chức năng đang căng mình ra chống dịch.

Đã đến lúc cần phải nghiêm khắc hơn với những hành vi đó, không để một vài cá nhân nào đó vô ý thức làm ảnh hưởng đến nỗ lực công tác phòng chống dịch của cả nước.

Ông kỳ vọng như thế nào vào những quyết sách mạnh mẽ trong phòng chống dịch gần đây của Chính phủ?

Tôi cũng như mọi công dân bình thường đều hy vọng sớm giải quyết bài toàn dịch bệnh nhanh nhất.

Chính phủ cố gắng làm sao lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của người dân hiến kế để áp dụng các biện pháp vừa mạnh mẽ nhưng phù hợp với đặc thù của từng vùng, điều kiện cuộc sống của người dân để sớm dập tắt dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chúng ta phải có những dự báo, tính toán và phải xác định dịch Covid-19 này có thể như bệnh cúm vẫn tồn tại trong nhiều năm nữa, thậm chí lâu hơn. Do đó chúng ta phải có phương án, kịch bản, làm sao đẩy mạnh, đẩy nhanh vắc xin, cố gắng cùng thế giới có thuộc đặc trị. Chúng ta phải xác định như thế để có công cụ y tế bảo vệ sức khỏe cho người dân và chấp nhận sống chung với dịch nhưng vẫn an toàn, có bị nhiễm thì cũng được chữa khỏi và tỉ lệ tử vong rất thấp.

Như vậy chúng ta vẫn có thể sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Trước mắt, nơi nào an toàn thì tập trung lao động, sản xuất để tự cung tự cấp, hỗ trợ cho vùng bị phong tỏa. Phải lấy ngắn nuôi dài như thế chúng ta mới có thể thành công được.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa XIV đánh giá cao ý nghĩa việc tăng cường quân đội tham gia chống dịch, hỗ trợ nhân dân.
Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc" quân đội phải có trách nhiệm trước tiên. Bởi vị quân đội là thành phần nòng cốt để bảo vệ dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước.
Ngoài ra, quân đội còn có hệ thống quân y, bác sĩ, điều dưỡng… rất kỷ luật, trình độ chuyên môn cao, với nhiều kinh nghiệm trong tổ chức phân tầng từ trong chiến đấu.
Vì vậy, trong tình hình hiện nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đội ngũ y tế quá tải thì việc đưa lực lượng quân đội, công an vào là rất đúng đắn.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Quân đội của nhân dân" nên không chỉ trong chống dịch mà còn trong thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, các sự cố trên biển, những vấn đề khó khăn phức tạp thì quân đội đều có mặt.
Trong thời kỳ đấu tranh bảo vệ tổ quốc cho đến hiện nay, theo ông chống dịch cũng là nhiệm vụ góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội, đặc biệt trong tình hình cấp bách
Ông cũng đề xuất lực lượng quân đội ở quân khu, đơn vị ở địa phương cũng tham gia, vì các quân khu đều có các bệnh viện lớn.
Việc này, trước tiên là để cứu dân, hỗ trợ dân lúc khó khăn hoạn nạn; thứ 2 là qua đó nâng cao trình độ của y bác sĩ, nâng cao truyền thống quân đội ta.
Trần Thường

Thu Hằng thực hiện 

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng, theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa