Ngày nhỏ, tôi cứ nghĩ Tết là một điều tất yếu của tự nhiên. Năm hết Tết đến hiển nhiên như việc sáng ra mặt trời mọc...

Khi bố mẹ hỏi Tết năm nay tôi làm gì, tôi gửi bố mẹ lịch của mình. Sáng đi học từ 10h30 đến 11h30. Trưa đi ăn với một anh chàng mới sang chỗ tôi lập công ty và muốn nhờ tôi giới thiệu nhân tài. Chiều học từ 12h30 đến 14h50. Đến 15h30, tôi phải đứng lớp dạy. Hôm đó là thứ 6 nên tôi hẹn ăn tối với một nhóm bạn không đứa nào biết Tết là gì. Sau khi ăn no uống say, chúng tôi sẽ đi xem bộ phim siêu anh hùng đuổi xe bắn nhau bùm chíu đặc chất Mỹ Chiến binh báo đen.

Không giao thừa. Không pháo hoa. Không thịt muối dưa hành. Tôi cười nói với bố mẹ rằng mình đâu cần Tết mới vui, nhưng tôi biết, đêm hôm đấy khi đi xem phim về, nước mắt tôi sẽ chảy đẫm gối.

{keywords}
Những hình ảnh đáng nhớ của Huyền Chip trong năm 2017 (Ảnh từ Facebook nhân vật)

Tôi cũng không hiểu tại sao tôi buồn khi nghĩ đến Tết. Kỷ niệm ăn Tết của tôi từ khi trưởng thành tới giờ thường bị lu mờ bởi những sự bất tiện. Hồi cấp ba học trên Hà Nội, mỗi lần về quê ăn Tết, tôi phải ra bến xe khách sặc mùi nước tiểu, bắt xe nhồi nhét chắc phải 70 người cho 35 chỗ. Ngồi lừ đừ ở chiếc ghế nhựa gẫy chân đặt giữa xe, một tay ôm khư khư chiếc ba lô, một tay cầm túi ni lông chuẩn bị nôn, tôi vẫn nhớ những người lớn trên xe cằn nhằn với bác tài rằng xe đã đông thế này rồi còn bắt khách làm gì nữa. Bác tài từ tốn trả lời rằng nếu xe không đón những khách đó, họ sẽ không kịp về nhà ăn Tết.

Lớn hơn một chút, về quê ăn Tết trở thành một sự xa xỉ. Bố mẹ tôi, sau hơn nửa đời người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi ba anh em chúng tôi ăn học, giờ đã già yếu và không thể làm việc được nữa. Quà cáp họ hàng, cỗ bàn, mừng tuổi, tết mới, nợ lãi cuối năm là những khoản chi tiêu khổng lồ mà như bố mẹ tôi nói, nếu không trông vào tôi thì không biết trông vào ai.

Năm nào cũng vậy, cứ tháng chạp là mẹ tôi lại lo nghĩ nhiều đến mức rối loạn tiền đình. Bố mẹ không nói ra vì thương con, nhưng tôi biết, số tiền tôi mang về năm đó sẽ quyết định việc bố mẹ tôi có yên tâm ăn Tết hay không. Tết tư trở thành một gánh nặng. Về nhà trở thành một bài toán cơm áo gạo tiền. Nếu không về, tôi có thể tiết kiệm được một khoản không nhỏ để năm mới của bố mẹ yên ổn hơn.

Những năm gần đây, tôi bắt đầu sợ những câu hỏi trời ơi đất hỡi mỗi khi về nhà ăn Tết. Câu hỏi đầu tiên, mọi người chắc cũng đoán được, đó là về chuyện chồng con. Không bao giờ là câu hỏi tôi muốn lấy chồng hay không, mà luôn là khi nào tôi lấy chồng. Lấy chồng như thể là một cái mốc mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng cần phải vươn tới. Như thể là nếu không có một người đàn ông bên cạnh, tôi vì một lý do nào đó mà chưa trọn vẹn, chưa xứng đáng là phụ nữ.

Câu hỏi thứ hai là câu hỏi tiền nong. Vẫn biết rằng người hỏi không có ác ý -- nhiều người hỏi chỉ để biết cuộc sống của tôi có ổn hay không -- nhưng ý nghĩ rằng số tiền tôi kiếm được trở thành một tham số để người khác đánh giá tôi. Nếu bác chỉ hỏi cháu về tiền, chẳng phải tiền là thứ duy nhất bác quan tâm? Nếu bác dùng tiền để so sánh cháu với người khác, chẳng phải là cỗ vũ cho cháu sống vì tiền?

Ở Mỹ, lễ hội quan trọng tương đương với Tết ở Việt Nam là lễ Tạ ơn, ngày mà ai ở đâu xa cũng cố gắng về để gia đình sum vầy. Năm ngoái, mẹ nuôi của tôi đang phục hồi sau phẫu thuật đầu gối nên gia đình bà chỉ làm một bữa tối nhỏ với vợ chồng bà, con gái, và tôi. Mặc căn ngan của mọi người, bà vẫn quyết định làm đầy đủ các món truyền thống: gà tây, nhồi bánh mì, nước sốt nam việt quất, bánh bí ngô. Đứng cả ngày nấu ăn, đầu gối của bà tê buốt. Cả chồng và con bà nghĩ rằng bà thích làm nên cũng không giúp đỡ gì nhiều. Gần đến bữa ăn tối mà hai người vẫn ngồi xem tivi, bà vừa đau vừa tủi thân nên bật khóc.

Chứng kiến cảnh đấy, tôi đã thắc mắc tại sao bà phải làm khổ bản thân như vậy. Không ăn gà tây hôm nay thì ăn gà tây hôm khác. Với tôi, một người lớn lên không biết lễ Tạ ơn là gì, truyền thống ngày lễ trở thành một cái gông làm khổ những người theo nó. Nhưng rồi tôi nghĩ, điều đó chẳng phải đúng với truyền thống ăn Tết của mình hay sao?

Ngày nhỏ, tôi cứ nghĩ Tết là một điều tất yếu của tự nhiên. Năm hết Tết đến hiển nhiên như việc sáng ra mặt trời mọc, và những sự bất tiện kia là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Sau gần thập kỷ sinh sống ở nước ngoài, tôi nhận ra rằng Tết cũng chỉ là sản phẩm của con người. Chịu đựng những bất tiện "kèm theo" hay không là một lựa chọn.

Năm 2014, tôi quyết định giải thoát cho mình khỏi "cái gông" truyền thống, tận dụng những ngày nghỉ lễ hiếm hoi sang Đài Loan chơi với bạn. Buổi tối giao thừa, cô bạn người Đài Loan mời tôi đến ăn tối cùng gia đình. “Chưa bao giờ nhà tớ được đông vui như thế,” cô bạn hào hứng kể. “Nhà bác ở New Zealand cũng về. Nhà cô chú ở Singapore cũng về”. Ngồi giữa nhà, bà của cô nắn bóp từng đứa cháu một, khuôn mặt nở nụ cười móm mém mãn nguyện. “Bà tớ năm nay đã ngoài 80, không biết còn ở với chúng tớ được bao nhiêu cái Tết”...

Tôi nhớ đến bà của tôi và hộp bánh ai đó tặng bà đã giấu kỹ, chờ tôi về mới bóc. Tôi nhớ đến đứa cháu ba tuổi của tôi, chỉ chờ cô về để khoe chiếc váy mới. Tôi nhớ đến mẹ của tôi, bao nhiêu đêm nằm thấp thỏm không ngủ, mong con về nhà mới thấy an tâm. Đêm hôm đó khi về khách sạn, nước mắt tôi chảy đẫm gối.

Huyền Chip (viết từ California đêm 27 Tết)

Du học sinh Việt khắp nơi gói bánh chưng đón Tết

Du học sinh Việt khắp nơi gói bánh chưng đón Tết

Du học sinh Việt ở khắp nơi trên thế giới dù không thể về quê ăn Tết nhưng đều có những cách đón năm mới và nhớ về quê nhà của riêng mình.

Cái Tết của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4

Cái Tết của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4

Năm nay, dù vật chất sắm sửa cho gia đình không nhiều hơn so với năm trước, nhưng 44 thầy giáo của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 lại đón một cái Tết với nhiều niềm vui và hứng khởi.

Những sinh viên làm thêm xuyên Tết

Những sinh viên làm thêm xuyên Tết

Với nhiều người, Tết là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ chấp nhận đón Tết xa quê để tranh thủ kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Cô giáo bật khóc khi nhận được món quà Tết đầu tiên sau gần 30 năm dạy học

Cô giáo bật khóc khi nhận được món quà Tết đầu tiên sau gần 30 năm dạy học

Sau hơn 27 năm dạy học, món quà Tết là những túi gạo nhỏ từ các em học sinh vùng cao khiến chị Đỗ Thị Thắm (giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) vô cùng xúc động