Ông Lương Đình Thắng và nhiều hộ dân thuộc thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nhiều tháng qua gửi đơn thư kêu cứu lên chính quyền các cấp về việc bị thu hồi đất với giá rẻ mạt.

Gia đình ông có 2 con gái là quán quân cuộc thi Sao Mai: Lương Nguyệt Anh – quán quân Sao mai dòng nhạc dân ca năm 2011 và Lương Hải Yến – quán quân Sao mai dòng nhạc thính phòng năm 2019. 

{keywords}
Ông Lương Đình Thắng bên khu đất của gia đình bị thu hồi

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài tại huyện Lục Ngạn do UBND huyện làm chủ đầu tư được phê duyệt tại QĐ 9307a ngày 25/10/2017.

Dự án có quy mô 17ha được chia làm 3 giai đoạn. Tại giai đoạn 1, diện tích đất thu hồi hơn 60 ngàn m2 thuộc 121 hộ dân, trong đó gia đình ông Lương Đình Thắng bị thu hồi tổng diện tích gần 1.800m2.

Áp theo khung giá đất do UBND tỉnh Bắc Giang ban hành, gia đình ông Thắng được đền bù số tiền 221.000đồng/m2.

Đền bù 2.000m2, không đủ mua 100m2 đất của chính mình 

Theo quy hoạch, tuyến đường Lê Duẩn kéo dài và tuyến đường nhánh của khu dân cư đi qua khiến nhà ông Thắng trở thành vị trí "đất vàng" tiếp giáp 2 mặt đường.

Không chỉ lấy đất để làm đường, huyện còn thu hồi thêm 10 mét chiều sâu, 40m chiều dài của gia đình ông để chia làm 2 khu biệt thự tại vị trí "đất vàng" sau khi hạ tầng được hoàn thiện.

“Huyện thu hồi để làm đường chúng tôi không phản đối nhưng thu hồi đất để phân lô, bán nền với giá cao gấp hơn 50 lần giá đền bù thì chúng tôi không đồng tình”, ông Thắng nói. 

{keywords}
Lương Hải Yến - Quán quân cuộc thi Sao Mai dòng nhạc thính phòng năm 2019 là con gái út của ông Thắng. Gia đình Yến bị thu hồi gần 1.800m2 đất, được đền bù với giá rẻ

Trong phương án đền bù do UBND huyện đưa ra, đất tiếp giáp mặt đường tỉnh lộ 289 được áp mức hơn 15 triệu đồng/m2; đất sát đường giao thông xóm đền bù 3,2tr/m2. Giá đền bù đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm được áp mức 221 ngàn đồng/m2.

Khi dự án đường Lê Duẩn hình thành, đất của nhà ông Thắng ở vị trí đất loại 1. Thế nhưng, với phương án “thu hồi gộp” của huyện, gia đình ông được nhận mức giá đền bù áp chót.

Nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn nhưng không được giải quyết thỏa đáng, gia đình ông tiếp tục nhận được thông báo huyện sẽ cưỡng chế, thu hồi đất vào ngày 7/8.  

{keywords}
Dự án khu dân cư thị trấn Chũ có quy mô 17ha do UBND huyện Lục Ngạn làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách huyện và vốn đi vay

Huyện vay tiền làm dự án

Thông tin với VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thừa nhận, đây là dự án thương mại do UBND huyện làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện từ vốn ngân sách huyện và vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển đất của tỉnh Bắc Giang.

“Khu vực thu hồi làm dự án vốn là vùng trũng, thấp, hạ tầng yếu kém. Chủ trương đô thị hóa  được người dân đồng tình, tuy nhiên, một số hộ dân vẫn chưa chấp nhận phương án đền bù", ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, dự án đã nhiều lần kêu gọi nhưng không có đơn vị nào quan tâm, buộc huyện phải làm chủ đầu tư.  

{keywords}
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thừa nhận, đất sẽ được chia lô để bán đấu giá với mức giá cao gấp 50 lần giá đất đền bù cho dân

Tổng giá trị dự án giai đoạn 1 gần 70 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB gần 26 tỷ; chi phí xây dựng hạ tầng (gồm tuyến đường Lê Duẩn kéo dài rộng 9m, dài 900 mét và các đường trục nhánh khu dân cư) gần 27 tỷ đồng; các khoản chi phí khác hơn 15 tỷ.

“Nói là doanh thu vải thiều hàng ngàn tỷ mỗi năm nhưng huyện không được thu đồng nào vào ngân sách, thậm chí còn phải chi phí hàng chục tỷ đồng để quảng bá hình ảnh. Thế nên, ngân sách của huyện để làm dự án không có, buộc phải đi vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển đất của tỉnh”, Chủ tịch huyện Lục Ngạn thông tin.

Ông cũng cho biết, sau khi đồng bộ hạ tầng, sẽ phân lô, bán nền… để thu hồi vốn. Giá trị thương mại của mỗi lô đất khu dân cư mới, tùy theo vị trí, nhưng cũng ở con số khoảng trên 10 triệu đồng/m2. 

Theo tính toán, diện tích làm đất ở sau khi hạ tầng hoàn thiện chiếm tỷ lệ 30% tổng quỹ đất. Với dự án giai đoạn 1 quy mô trên 60ha, đất chuyển đổi thành đất ở khoảng 18ha. Với giá trung bình 10tr/m2, huyện sẽ thu về 180 tỷ đồng. 

Dự án có diện tích thu hồi trên 5ha sẽ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Với dự án này, huyện Lục ngạn không thu hồi 1 lần mà chia làm 3 giai đoạn khiến người dân “hiểu lầm” rằng huyện xé nhỏ dự án để “lách luật”.

Về việc này, ông Bình cho rằng, đó là do căn cứ vào năng lực tài chính của huyện. Nếu triển khai cùng lúc dự án 17ha mà không có người mua thì huyện không thể thu hồi được vốn đầu tư.

{keywords}
Huyện thu hồi "đất vàng" của gia đình ông Thắng để chuyển đổi thành đất biệt thự, bán đấu giá

“Chúng tôi kỳ vọng, dự án thương mại này sẽ làm thay đổi bộ mặt của thị trấn Chũ, đồng thời mang lại nguồn thu cho ngân sách huyện. Nếu triển khai đồng bộ, không có người mua thì không có lợi nhuận, huyện lại phải gánh thêm khoản nợ vay và lãi suất vay hàng năm. Đầu tư không có lãi thì ai dám làm”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Bình nói.

Luật sư Lê Văn Hà (công ty Luật VietBij - Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: UBND huyện Lục Ngạn áp mức đền bù bất hợp lý gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

“UBND huyện làm chủ đầu tư để xây dựng hạ tầng, đường giao thông… thì đây thuộc lĩnh vực đầu tư công. Theo luật Đầu tư công, những dự án như thế này phải được quy hoạch và được bố trí nguồn vốn theo kế hoạch. Thứ hai, luật Đầu tư công không cho phép được thu hồi đất, phân lô bán nền đấu giá để lấy kinh phí làm dự án.

Nếu là dự án thương mại, việc đền bù phải có sự thỏa thuận chứ không thể áp theo khung giá quy định, sẽ gây thiệt thòi cho người dân”, luật sư Hà nhận định.

Ngang nhiên xây dựng các điểm dừng chân trái phép trên đèo Đại Ninh

Ngang nhiên xây dựng các điểm dừng chân trái phép trên đèo Đại Ninh

Những điểm dừng chân, hàng quán trái phép xây dọc đường đèo Đại Ninh (Bình Thuận-Lâm Đồng) lấn chiếm đất rừng và vi phạm an toàn hành lang Quốc lộ 28B.

Thái Bình