Là huyện miền núi, biên giới, hải đảo, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, Hải Hà đã và đang tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách tham quan du lịch mỗi năm và đang trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm. 

Bắc Phong Sinh là Khu kinh tế Cửa khẩu cấp quốc gia trên biên giới Việt - Trung, được vận hành theo quy chế riêng với cơ chế chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi, hấp dẫn, là địa bàn đột phá phát triển của huyện. Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà kết hợp với Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành cụm kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng duyên hải Bắc Bộ.

Hải Hà còn là một trong những vựa chè lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Chè Hải Hà (trước đây là chè Hà Cối) đã có từ cách đây gần 60 năm. Hiện nay, các sản phẩm chè trong địa bàn huyện đã xây dựng được thương hiệu và đứng vững trên thị trường, là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

W-doiche.png
Hải Hà còn là một trong những vựa chè lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Với chính sách mở cửa phục hồi ngành du lịch - dịch vụ, huyện Hải Hà đã ban hành Kế hoạch phục hồi thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến với huyện bằng chuỗi các sự kiện Tuần lễ Văn hóa - Du lịch, ngày hội văn hóa các dân tộc..., đồng thời triển khai xây dựng “Đề án Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc huyện Hải Hà giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hiện nay, huyện Hải Hà được tỉnh Quảng Ninh công nhận nhận 2 tuyến và 3 điểm du lịch, gồm: Tuyến 1 “đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà - Cửa Khẩu Bắc Phong Sinh”, tuyến 2 “đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà - đảo Cái Chiên”; 3 điểm du lịch là “đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà”, “Cửa khẩu Bắc Phong Sinh”, “đảo Cái Chiên” và khu du lịch Cái Chiên.

Trên địa bàn huyện còn có những mô hình du lịch gắn với nông nghiệp - nông thôn tại các xã Quảng Long, Quảng Minh, Quảng Thành...; phố đi bộ tại trung tâm thị trấn Quảng Hà. Về dịch vụ và cơ sở lưu trú, trên địa bàn huyện có 6 nhà hàng lớn có sức chứa tối đa cùng một thời điểm từ 200 đến gần 1.000 khách tập trung tại trung tâm huyện và 50 điểm kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ tại các xã, thị trấn, các điểm du lịch phục vụ cùng lúc từ 30 đến 100 người.

Toàn huyện có 76 cơ sở lưu trú, trong đó có 36 nhà nghỉ với 438 phòng; 40 homestay với 105 phòng đáp ứng nhu cầu của du khách. Song song đó, các ngành chức năng của huyện Hải Hà tiến hành kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn, phòng chống dịch khu du lịch đảo Cái Chiên; hướng dẫn các hộ dân khai thác tại các khu vực bãi tắm theo quy định của địa phương bảo đảm về vệ sinh, mỹ quan, phù hợp với không gian, cảnh quan môi trường. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch.

Với mục tiêu phát triển du lịch, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, do đó, định hướng phát triển du lịch của Hải Hà trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển du lịch, phấn đấu đưa huyện Hải Hà trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn và là điểm nhấn của du lịch Quảng Ninh.

Thúy Ngân và nhóm PV, BTV