Sau loạt bài phản ánh "Nhiều doanh nghiệp cầu cứu, lộ khoản nợ công khó tin tại một ban quản lý dự án" trên VietNamNet, ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tuấn Anh đã ký văn bản về việc xử lý tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, UBND huyện Chư Sê kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, phải có giải pháp khắc phục gửi về UBND tỉnh.

W-Nợ đọng xây dựng cơ bản 2.jpg
Công trình đường ven hồ TDP8, đoạn Phan Đình Phùng đến đường Cách Mạng (tuyến dọc hai bên bờ suối nhánh phía Tây thị trấn Chư Sê) còn bị nợ hơn 4 tỷ đồng, chiếm gần 46% giá trị quyết toán. Ảnh: Trần Hoàn

Việc để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản là trái với Luật Đầu tư công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án và môi trường kêu gọi đầu tư. Do đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải nhanh chóng khắc phục tình trạng này, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Đây là sự vào cuộc của UBND tỉnh Gia Lai sau khi VietNamNet phát hiện, phản ánh "Nhiều doanh nghiệp cầu cứu, doạ kiện vì huỵện không trả nợ công trình", sau đó Sở KH&ĐT đã có chỉ đạo cho rằng phải cân đối nguồn khác để ưu tiên trả nợ.

Mặc dù đã hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng từ nhiều năm nhưng huyện Chư Sê (Gia Lai) không thanh toán hết số tiền theo quy định, khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi văn bản "cầu cứu".

Theo đó, tính từ năm 2017 đến ngày 30/4/2024, trên địa bàn có 56 công trình nợ đọng xây dựng cơ bản với tổng chi phí hơn 21,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất. Nguyên nhân nợ do chưa được cấp đủ vốn để thanh toán.

Công trình nợ nhiều nhất là dự án Đường ven hồ TDP8, đoạn Phan Đình Phùng đến đường Cách Mạng, tuyến dọc hai bên bờ suối nhánh phía Tây thị trấn Chư Sê với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Hay dự án Đường điện chiếu sáng nội thị Chư Sê chỉ được bố trí và giải ngân cho dự án số tiền 1,1 tỷ đồng, còn nợ 3,65 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bị nợ nhiều nhất là Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát Lợi, Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai và Công ty TNHH MTV Phúc Hưng

Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện đã đề nghị UBND huyện Chư Sê, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện xem xét, cân đối cấp vốn để Ban thanh toán công nợ cho các đơn vị đã hoàn thành dự án.

Ngoài ra, báo cáo của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Chư Sê cũng cho thấy có 66 công trình chưa quyết toán dự án hoàn thành mặc dù các công trình này đã hoàn thành thi công từ năm 2018 đến 2024.

W-Nợ đọng xây dựng cơ bản 3.jpg
Đường Nguyễn Thị Minh Khai thi công năm 2019 hiện còn nợ doanh nghiệp hơn 1,6 tỷ đồng. Ảnh: Trần Hoàn

Nói về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nợ công từ nguồn sử dụng đất, ông Đinh Hữu Hoà, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai chia sẻ, nếu các công trình được bố trí từ tiền sử dụng đất thì quan điểm là có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu, không có thì không bố trí vốn, không đầu tư mới, phải ưu tiên cho trả nợ trước. Nếu còn nợ đọng xây dựng cơ bản mà tiếp tục bố trí đầu tư mới là trái quy định.