Vừa qua, VietNamNet có bài phản ánh về tình trạng nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản kéo dài tại UBND huyện Chư Sê khiến nhiều doanh nghiệp phải viết đơn cầu cứu.

Trước thực trạng này, ông Đinh Hữu Hoà, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai đã chia sẻ những quy định liên quan đến đầu tư công trên địa bàn.

Đấu giá đất không có người mua thì không có tiền thanh toán 

Ông Hoà cho biết, trong đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn vốn chủ yếu được trích từ tiền sử dụng đất. Hàng năm tỉnh, huyện dự kiến số tiền thu được từ sử dụng đất của năm sau để lên kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án, sau khi thu được thì sẽ thanh toán.

Theo ông Hoà, đối với tiền sử dụng đất, đây là số tiền dự kiến. Năm nào thuận lợi thì giải quyết đơn giản, khi tình hình kinh tế khó khăn thì không lường trước được. Đấu giá đất nhưng không có người mua thì không có tiền để thanh toán cho nhà thầu. "Chỉ có nguồn sử dụng đất mới hay bị thiếu hụt như vậy, còn các nguồn khác thì luôn đầy đủ", ông Hoà nói.

Trả lời câu hỏi, khi chưa có đủ nguồn vốn, chủ đầu tư có được phê duyệt dự án đưa ra đấu thầu, thi công hay không, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai cho hay, về nguyên tắc, nếu chưa có quyết định giao vốn mà phê duyệt dự án là trái quy định. Khi đấu thầu, một trong những khâu quan trọng là thẩm định nguồn vốn. Còn khi đã có quyết định giao vốn thì vẫn triển khai bình thường.

W-Nợ công 2.jpg
Công trình đường ven hồ TDP8, đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Cách Mạng (tuyến dọc hai bên bờ suối nhánh phía Tây thị trấn Chư Sê) còn bị nợ hơn 4 tỷ đồng (chiếm gần 46% giá trị quyết toán). Ảnh: Trần Hoàn

“Sau khi dự án hoàn thành, nguồn thu từ tiền sử dụng đất không có để thanh toán sẽ dẫn đến nợ đọng. Đây là nguồn vốn của huyện, chứ tỉnh không dám để xảy ra tình trạng như thế”, Hòa thông tin.

Theo ông, trước đây tỉnh Gia Lai từng nợ một loạt dự án tương tự. Sau này rút kinh nghiệm nên trong quyết định giao vốn phải ghi rõ: “Chỉ được triển khai khi có nguồn vốn được Sở Tài chính cấp” để tránh nợ đọng.

Bố trí nguồn khác để thanh toán cho doanh nghiệp

Nói về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nợ công, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai chia sẻ, quan điểm là nếu bố trí từ tiền sử dụng đất thì có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu, không có thì thôi, không bố trí vốn nữa, không đầu tư mới nữa, ưu tiên cho trả nợ trước. Nếu còn nợ đọng mà tiếp tục bố trí đầu tư mới là trái quy định.

W-Nợ công 3.jpg
Đường Nguyễn Thị Minh Khai được hoàn thành cuối năm 2019, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư còn nợ 1,65 tỷ đồng. Ảnh: Trần Hoàn

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Gia Lai cũng đề nghị các huyện tập trung ưu tiên cho việc trả nợ. Phòng Tài chính phải tham mưu cho UBND huyện điều chỉnh nguồn vốn để giải quyết. Nếu không có tiền sử dụng đất thì phải cân đối, bố trí từ nguồn khác để thanh toán cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

“Hàng năm, khi được bố trí vốn cho đầu tư công hoặc có tiền tăng thu là phải ưu tiên cho việc trả nợ, thanh toán các khoản khác, còn lại bao nhiêu mới bố trí đầu tư mới.

Không thể có chuyện nợ vẫn còn mà bố trí đầu tư mới, ngoại trừ trường hợp nguồn vốn đó không thể bố trí cho hoạt động khác”, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Gia Lai nhấn mạnh.