Nhằm thúc đẩy chăn nuôi bề vững, ổn định, đứng vững trước các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch cúm gia cầm, những năm qua huyện Phú Lương (Thái Nguyên) chú trọng phát triển mô hình gà an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ảnh minh họa. Quốc Huy |
Bà Vũ Thị Gái ở xã Phủ Lý (Phú Lương) nuôi hơn 2.000 con gà, 1.000 con vịt.
Thời gian đầu, do chưa có kiến thức về chăn nuôi gia cầm nên đàn gia cầm của gia đình phát triển kém, tỷ lệ hao hụt lớn.
Sau này, khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do tỉnh, huyện tổ chức, tôi đã được trang bị đầy đủ kiến thức về cách phòng, chữa trị nhiều loại bệnh trên đàn gà, quy trình chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học,
Do đó, hoạt động chăn nuôi của gia đình ngày càng phát triển. Hiện, gia đình bà nuôi gia cầm theo hình thức khép kín.
Huyện Phú Lương rất quan tâm đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong kế hoạch thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện.
Trung bình mỗi năm, huyện phối hợp tổ chức trên 20 lớp tập huấn cho trên 1.000 lượt cán bộ chuyên môn, hộ dân về quy định của pháp luật trong chăn nuôi; quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học...
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng lồng ghép các nguồn vốn để triển khai mô hình chăn nuôi gia cầm theo quy trình an toàn sinh học hoặc liên kết theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, trang trại.
Từ đó, giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán, tăng số lượng cơ sở chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp.
Đến nay, tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt trên 1 triệu con (tăng khoảng 200.000 con so với năm 2015); sản lượng thịt hơi gia cầm tăng bình quân 7,8%/năm; giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi tăng bình quân 8%/năm.
Ông Ma Tiến Kốp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: Chúng tôi vừa tham mưu cho UBND huyện xây dựng vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại...
Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đưa gà và trứng gà vào danh mục sản phẩm chủ lực của địa phương trong Đề án Phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, tạo tiền đề để phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm...
Quốc Huy