Quảng Ninh là một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình. Năm 2023, công tác giảm nghèo và trợ giúp xã hội tại huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm còn 4,22%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,23%.
Triển khai nhiệm vụ năm 2024, huyện Quảng Ninh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%, hộ cận nghèo giảm 1% theo chuẩn nghèo đa chiều; giải quyết việc làm cho 2.000 lao động; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn huyện lên 73%.
Chăm lo cho người nghèo khó khăn về nhà ở
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Ninh luôn đồng hành, linh hoạt sử dụng kinh phí, kêu gọi nguồn hỗ trợ từ xã hội, cộng đồng để tạo mái ấm cho những người yếu thế.
Ngày 7/8, hộ gia đình bà Trần Thị Yêm, thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh đã được tổ chức khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết. Gia đình bà Yêm là hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Nhiều năm này, bà Yêm phải sống trong căn nhà đã xuống cấp, dột nát nhưng không có điều kiện xây, sửa.
Trước hoàn cảnh đó, từ nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh đã phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình trao tặng 100 triệu đồng cho gia đình bà để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống tuổi già. Dự kiến ngôi nhà có diện tích khoảng 60m2 với tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng.
Căn nhà kiên cố giúp tránh mưa, tránh lũ là niềm mơ ước của không chỉ gia đình bà Yêm mà còn với nhiều hộ nghèo khác tại huyện Quảng Ninh. Năm 2024, niềm vui được hỗ trợ xây nhà mới cũng đến với gia đình bà Trần Thị Tẩm, thôn Kim Sen và bà Hồ Thị Mẹt, bản Khe Ngang, đều thuộc xã Trường Xuân. Hai gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, nhiều năm phải ở nhà dột nát, xập xệ, hư hỏng nặng nhưng không có điều kiện sửa chữa, xây mới.
Không chỉ được hỗ trợ kinh phí, các gia đình còn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong xã, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu bàn giao, đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
7 tháng đầu năm 2024, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh đã vận động, kêu gọi các nguồn lực, hỗ trợ xây dựng 7 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở.
Mới đây, ngày 19/9, 20 hộ gia đình tại xã Trường Sơn và xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh cũng được Ủy ban MTTQ huyện tổ chức khởi công xây nhà. Đây đều là những hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở do ảnh hưởng của thiên tai.
Mỗi căn nhà được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp và sự vận động, quyên góp của địa phương. Dự kiến các căn nhà sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước tháng 1/2025. Tổng kinh phí của đợt hỗ trợ xây dựng nhà lần này là 1 tỷ đồng.
Đa dạng hoá mô hình sinh kế, tăng thu nhập, tiếp cận các chiều dịch vụ xã hội cơ bản
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh cho biết thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Mặt trận các cấp trong huyện đã phối hợp với các địa phương đa dạng hóa mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống.
Tại xã Trường Xuân, hàng chục hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ sinh kế giúp giảm nghèo bền vững nhờ triển khai mô hình phát triển chăn nuôi lợn bản địa và gà kiến thả vườn.
Trong số này, có 8 hộ được hỗ trợ 24 con lợn giống (mỗi hộ 3 con), trọng lượng bình quân mỗi con từ 12-15 kg và 9 hộ được hỗ trợ 900 con gà giống hơn 2 tuần tuổi (mỗi hộ được hỗ trợ 100 con).
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật và quy trình nên đàn gà, lợn của các hộ dân bản Khe Dây bước đầu đã đạt kết quả tốt. Đến năm 2024, các hộ đã tái đàn vụ thứ 5, có hộ đã tái đàn vụ thứ 6; có 4 hộ chuyển sang nuôi lợn nái để chủ động về con giống... Mỗi lứa nuôi, mỗi hộ dân tham gia mô hình gia tăng thu nhập thêm 4-5 triệu đồng.
Năm 2024, để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc xã Trường Xuân đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trong quá trình chăn nuôi. Các hộ cũng được vận động tiếp tục tái đàn để duy trì, phát triển đàn lợn, gà nhằm tăng thu nhập, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Cũng trong năm nay, 10 hộ gia đình dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, khó khăn tại bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh rất vui mừng khi mô hình sinh kế đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Trước đó, trong vụ nuôi đầu tiên, mỗi hộ được hỗ trợ 3 con lợn (9-10kg), 30% thức ăn, 30% thuốc thú y.
Ngay sau khi bàn giao con giống, thức ăn, các hộ đã chuẩn bị chuồng trại đầy đủ, chăm sóc đàn lợn theo hướng dẫn kỹ thuật và chú trọng vệ sinh chuồng trại. Ngoài nguồn thức ăn được huyện hỗ trợ, bà con đã tận dụng các sản phẩm sẵn có và trồng thêm rau, chuối để làm thức ăn cho lợn. Đến nay, các hộ dân đã duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi, nhiều hộ đã tái đàn thứ 3, thứ 4, nâng tổng số lợn trong đàn lên 13, 14 con. Sau khi xuất bán, trừ chi phí, có hộ thu về hơn 19 triệu đồng.
Các mô hình sinh kế đã và đang giúp nhiều hộ nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện có thêm việc làm, thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản. Đây không chỉ là điểm tựa để người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo mà còn giúp thay đổi tư duy, nhận thức người nghèo trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.