Xã Trọng Con, Thạch An, tỉnh Cao Bằng được cho là "vựa thạch đen" lớn của tỉnh Cao Bằng. Hầu hết các hộ dân trong xã đều trồng cây thạch đen. Cây thạch đen đã trở thành cây cho thu nhập chính của người dân trong vùng.
Loài cây này ít tốn công chăm bón nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào nước mưa và độ ẩm. Trồng cây thạch đen nếu có mưa cây sẽ phát triển tốt, lớn nhanh như cỏ dại, công chăm sóc cũng không nhiều, cho thu hoạch lại gấp 5, gấp 6 lần các loại cây trồng khác.
Dọc đường từ các xã Trọng Con vào Đức Thông sang Kim Đồng, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn cây thạch đen. Ven đường, trên sàn, nhà nào cũng phơi kín loại cây này.
Sản phẩm thạch đen Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng. |
Trước đây bà con chủ yếu trồng ở ven đường, ở rừng, sau khi nhân rộng mô hình, bà con đã trồng thêm xuống ruộng. Tuy là cây ưa ẩm nhưng trồng ở ruộng phải là ruộng cạn, nếu úng nước cây sẽ chết thân.
Đặc biệt, dù có mất mùa, cây thạch đen cũng cho hiệu quả kinh tế gấp đôi cây ngô, cây lúa trồng trên cùng một diện tích. Đầu ra cây thạch đen rất ổn định, sản phẩm thạch đen được rất nhiều người ưa dùng.
Giá bán cây thạch (đã phơi khô) hiện nay là 40.000 đồng/kg, loại chất lượng tốt có thể được giá 80.000 đồng/kg. Cây thạch đã và đang góp phần trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân của vùng.
Cây thạch đen có nhiều ứng dụng trong chế biến thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm. Chất lượng của cây thạch đen ở huyện Thạch An được đánh giá rất cao. Với tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ những rất phù hợp cho cây thạch đen phát triển. Mấy năm gần đây, loài cây này đã giúp nhân dân huyện miền núi Thạch An xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Diện tích trồng cây thạch đen của huyện Thạch An là trên 420 ha, tập trung nhiều ở các xã: Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Trọng Con, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng.
Theo UBND huyện Thạch An, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiếp tục xác định cây thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An. Tuy vậy, để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen cần rất nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng nhất phải là khâu tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ thạch đen chủ yếu do tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thạch An phối hợp, lập hồ sơ, cấp 95 mã vùng trồng cây thạch đen, đáp ứng yêu cầu mã vùng khi xuất khẩu sản phẩm.
Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân đã tổ chức chế biến cây thạch thành thạch ăn đóng hộp tiêu thụ ở một số tỉnh miền xuôi. Huyện cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột cây thạch và các cơ sở chế biến sâu sản phẩm từ cây thạch.
Bên cạnh đó, huyện Thạch An triển khai một số hoạt động nhằm xác lập thương hiệu cho sản phẩm thạch đen. Tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho các sản phẩm liên quan đến cây thạch đen.
Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến cây thạch đen trên địa bàn có thể dán tem, nhãn hiệu lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm từ cây thạch đen.
Để duy trì diện tích, phát triển bền vững cây thạch đen, huyện Thạch An còn chú trọng tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông dân, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm từ cây thạch đen.
Đồng thời, huyện chỉ đạo phối hợp quảng bá cây thạch đen, sản phẩm từ cây thạch đen; kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cây thạch đen tại địa bàn huyện, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho loài cây này.
Lê An