Đầu tư vào tiền mã hóa hoàn toàn không được bảo vệ
Lý giải rõ hơn về nhận định trên, chuyên gia bảo mật nổi tiếng thế giới Mikko Hypponen, Giám đốc nghiên cứu của F-Secure phân tích: Luật pháp và quy định hiện hành tại Việt Nam và thế giới chưa có quy định bảo vệ nhà đầu tư trong thị trường này. Mặt khác, vì giao dịch chuyển tiền mã hóa không thể đảo ngược nên nếu đồng tiền (coin) bị ăn trộm, chuyển sang tài khoản khác thì không có cách nào lấy lại.
Theo chuyên gia F-Secure, khi nghiên cứu thực tế, hãng nhận thấy có hàng chục trường hợp tiền mã hóa bị hack hoặc rò rỉ, trong đó có những vụ mất coin trị giá hàng trăm triệu USD. (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong quá trình nghiên cứu thực tế, F-Secure nhận thấy có hàng chục trường hợp tiền mã hóa bị hack hoặc rò rỉ. Có những vụ mất coin trị giá hàng trăm triệu USD. Đây là các vụ trộm có tổ chức. Ví dụ như, một trong những cách dùng mồi nhử đang được cộng đồng cảnh báo là trộm tài sản thông qua airdrop (tặng coin miễn phí). Cụ thể, nhiều người dùng đột nhiên nhận được số token lạ trị giá hàng chục nghìn USD. Khi nhận được số token giá trị cao, nhà đầu tư thường tò mò và lên sàn phi tập trung (DEX) để quy đổi sang USD.
Tuy được liệt kê với giá trị rất cao, các loại token này lại không được giao dịch và quy đổi trên các DEX lớn. Khi đó, kẻ lừa đảo có thể gợi ý người dùng vào sàn nhỏ và thiếu tin cậy hoặc đưa khóa bí mật cho chúng.
“Chính tâm lý tò mò với khoản tiền lớn đã khiến nhiều nhà đầu tư cấp quyền truy cập cho kẻ gian. Sau khi giao dịch, kẻ lừa đảo sẽ có quyền truy cập vào ví cá nhân của người dùng và đánh cắp toàn bộ tài sản”, chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen nhấn mạnh.
Hồi tháng 11/2021, nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa cả ở Việt Nam và nước ngoài bị mất trộm coin trong ví mã hóa. Hacker tạo các website giả mạo thậm chí chạy Google SEO để dẫn dụ người dùng truy cập vào.
Làm gì để tránh bị mất trộm coin online?
Chuyên gia F-Secure khuyến nghị, để tránh bị mất trộm coin online, người dùng chỉ nên giữ lượng coin ít nhất trên mạng và có thể truy cập được, chuyển đa số coin xuống offline. Không dùng đường dẫn website và không tìm kiếm đường link trên công cụ tìm kiếm để truy cập ví dụ như google search mà hãy truy cập vào ví online bằng đường dẫn bạn đã lưu sẵn trên máy tính (bookmark trước đó)… Đồng thời, cần thận trọng trước tấn công lừa đảo (Phishing). “Và nhất là nếu cái gì đẹp như mơ thì nó không có thật, chỉ có thể là lừa đảo. Ví dụ hình thức đầu tư lợi nhuận cao, bảo toàn vốn…”, chuyên gia Mikko Hypponen nhấn mạnh.
Vị Giám đốc Nghiên cứu của hãng bảo mật F-Secure lưu ý thêm, hiện có nhiều cổng đầu tư lừa đảo trong lĩnh vực tiền mã hóa – hype, người dùng kết nối ví vào các dự án này sau đó mất hết tiền. Hacker dùng hype để thu hút tiền vào. Chúng tạo website giống hệt các chiến dịch thu hút đầu tư thật hoặc dùng mạng xã hội lừa người dùng. Thường hacker sẽ giả mạo danh tính những người nổi tiếng trong lĩnh vực tiền ảo (như Elon Musk) để dụ người dùng vào các cơ hội đầu tư tốt, lợi nhuận cao.
Tại Việt Nam, ví dụ gần nhất là vụ đánh bạc online 88.000 tỷ mới bị phát hiện. Người chơi chỉ cần đăng ký ví tiền ảo trên sàn Remitano (ở nước ngoài), sau đó dùng tiền trong tài khoản ngân hàng mua tiền ảo khác để cá cược trên trang web. Ngoài ra, nhóm lừa đảo còn thường xuyên quảng bá, mời gọi người tham gia dưới dạng đầu tư tài chính lợi nhuận cao.
Theo chuyên gia F-Secure, cách tốt nhất để lưu trữ tiền mã hóa là trong ví lạnh (thiết bị phần cứng bảo vệ tiền điện tử - PV) và lưu chuỗi mật khẩu passphrase ở nơi an toàn.
“Cách tốt nữa là dùng ví cứng như thiết bị Trezor. Ví nội bộ như Metamask tiện lợi ở chỗ cho phép bạn truy cập trực tiếp vào các đồng coin, nhưng bạn chỉ nên lưu lượng nhỏ coin trên đó”, chuyên gia Mikko Hypponen khuyên người dùng.
Việc để coin trên tài khoản giao dịch là cách thuận tiện nhất nhưng cũng dễ khiến bị hack nhất và khi đó người sở hữu sẽ mất hết. Cách hack phổ biến nhất hiện tại là hoán đổi SIM. Khi tin tặc có quyền truy cập vào số điện thoại của nạn nhân, chúng sử dụng nó đặt lại mật khẩu và xâm nhập vào tài khoản của nạn nhân bao gồm email và tài khoản trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Do đó, họ có quyền truy cập vào tiền điện tử được lưu trữ trên ví nóng.
Nêu dẫn chứng về 1 vụ đánh cắp tiền mã hóa, chuyên gia F-Secure thông tin: Năm 2018, Joel Ortiz, một sinh viên ở California, Mỹ đã nhận bản án tù 10 năm vì trộm 5 triệu USD tiền mã hóa thông qua việc hoán đổi SIM (SIM swapping). Kỹ thuật này được Ortiz sử dụng để tạo ra những yêu cầu đổi SIM rồi chiếm đoạt số điện thoại của người khác và lấy trộm mã đăng nhập 2 lớp. Có tổng cộng 40 nạn nhân liên quan tới vụ án. Đây là lần đầu tiên một người bị tuyên phạt tù tại Mỹ vì tội này.
Đại diện F-Secure chia sẻ thêm, hiện hãng có cung cấp một số công cụ bảo mật web giúp chặn các trang lừa đảo Phishing và giả mạo Scam, phần mềm bảo vệ thiết bị đầu cuối chặn phần mềm độc hại ăn cắp mật khẩu hoặc chuỗi ví số và chặn Keylogging. Ngoài ra, F-Secure TOTAL cho phép người dùng truy cập giao dịch online an toàn và dễ dàng hơn bằng cách nhớ mật khẩu phức tạp cho bạn cùng lớp bảo mật qua VPN giúp họ an toàn hơn. Bởi lẽ, mật khẩu phức tạp, khó nhớ đảm bảo an toàn, khó đoán và ít khả năng bị mất hơn mật khẩu đơn giản.
Vân Anh
Lừa đảo trong lĩnh vực tiền mã hóa lập kỷ lục
Hình thức “rug pull” đang trở thành thách thức trong tài chính phi tập trung. Chiêu trò này chủ yếu dùng để lừa gạt người mới tham gia.