- Không chỉ ông Nguyễn Văn Lang, người dân đầu tiên đâm đơn kiện Sở GTVT TP.HCM vì… “lô cốt” mà nhiều người buôn bán, kinh doanh cũng bức xúc không kém.

Tin liên quan:

Trong lúc người dân Sài Gòn khóc ròng vì buôn bán cuối năm khốn đốn bởi rào chắn án ngữ, thì vụ kiện hy hữu giữa người dân Sài Gòn và Sở GTVT TP (chủ đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP Nhiêu Lộc – Thị Nghè) vì “lô cốt” vẫn chưa có hồi kết.

Kiện Sở GTVT đòi bồi thường 372 triệu

Ngày 3/12, trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, người bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Văn Lang trong vụ kiện cho biết, hiện TAND TP yêu cầu nhà thầu làm thủ tục ủy thác tư pháp để tòa lấy ý kiến trực tiếp từ nhà thầu chính ở Trung Quốc.

 

Theo ông Hoàng, việc lấy ý kiến từ phía nhà thầu Trung Quốc chỉ là một bước thủ tục, còn bị đơn chính của vụ kiện vẫn là Sở GTVT.

 

“Ngay cả ông Phan Châu Thuận - Giám đốc BQL dự án NL-TN cũng chỉ là người đại diện cho sở chứ không có quyền quyết định. Quan trọng nhất là ý kiến của lãnh đạo Sở GTVT về trách nhiệm của họ trong vụ kiện này. Tuy nhiên, đến nay người đứng đầu cơ quan này vẫn chưa lên tiếng” - ông Hoàng nhận xét.

 

Trước đó, TAND TP đã thụ lý vụ kiện hy hữu và mời các bên liên quan đến tiến hành hòa giải lần đầu. Ông Nguyễn Văn Lang, ngụ phường Đa Kao, Q.1 yêu cầu Sở GTVT bồi thường 372 triệu đồng do rào chắn dựng trước nhà suốt thời gian dài ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
 



                                         Ông Lang (bên phải) đang trao đổi với luật sư tại buổi hòa giải lần đầu. Ảnh: T.X

Từ tháng 1/2001, gia đình ông Nguyễn Văn Lang, ngụ 12/7 Nguyễn Huy Tự, Q.1 bắt đầu kinh doanh quán ăn mặt tiền đường Hoàng Sa. Đến khi dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) thi công dựng rào chắn trước nhà ông tháng 1/2005, việc buôn bán của gia đình phải đóng cửa. Hai năm sau, “lô cốt” được dời đi, ông Lang chưa kịp vui mừng thì cuối năm đó lại thấy rào chắn tiếp tục án ngữ đến tận giữa 2009.

Suốt thời gian này, gia đình ông phải đóng cửa quán ăn gây thiệt hại kinh tế. Quá bức xúc, ông Lang yêu cầu Ban quản lý (BQL) dự án (đại diện cho chủ đầu tư là Sở GTVT) phải bồi thường 252 triệu đồng do quán ăn đóng cửa làm thất thu kinh doanh. Song song đó, việc thi công dự án cũng làm căn nhà ông bị lún, nứt hư hỏng với số tiền khoảng 120 triệu đồng.

Tuy nhiên, buổi hòa giải đã không diễn ra như dự kiến bởi phía nhà thầu Tmec & Chec-3 chưa có giấy ủy quyền hợp lệ. Tòa cho rằng BQL dự án NL-TN không liên quan đến vụ kiện vì đơn vị này trực thuộc Sở GTVT quản lý. Riêng nhà thầu Trung Quốc chỉ là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên bị đơn trực tiếp của vụ kiện chỉ là Sở GTVT.

 

Còn nhiều “ông Lang” khác sẽ đi kiện vì… “lô cốt”

 

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP) cho rằng, trong vụ kiện này, đối tượng khởi kiện là có thật, thiệt hại thực tế cho gia đình ông Lang đã xảy ra, bên bị kiện cũng đã xác định rõ (Sở GTVT). Vấn đề ở đây là tính toán thiệt hại ra sao để làm cơ sở tuyên buộc của Toà là thuyết phục và đúng pháp luật.

 

Như vậy, ông Lang hoàn toàn có khả năng thắng kiện.

 

Cụ thể, việc kiện đòi bồi thường thất thu buôn bán vì “lô cốt”, ông Lang cần chuẩn bị các chứng từ, giấy tờ chứng minh hoạt động buôn bán hàng ngày của gia đình. Các chứng từ này có thể là sổ ghi chép chi tiết việc mua bán, xuất nhập hàng hoá, hồ sơ thuế... để từ đó tính được thu nhập của gia đình trước và sau khi quán ăn đóng cửa vì “lô cốt”. Còn kiện để đòi bồi thường thiệt hại hư hỏng nhà, thiệt hại sẽ do cơ quan kiểm định độc lập xác định.

 

Vụ kiện trên được dư luận rất quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên một người dân đứng ra kiện cơ quan nhà nước - Sở GTVT do thi công công trình công cộng.
 

 

"Lô cốt" che mất mặt tiền buôn bán của các hộ dân trên đường khiến việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: Thái Phương

Và còn nhiều người dân muốn kiện... "ông lô cốt'! Ảnh: Thái Phương


Từ nhiều năm nay, người dân Sài Gòn luôn phải gồng mình mỗi lần đi qua đoạn đường kẹt xe, ngập nước vì “lô cốt”. Thế nhưng, người đi đường than một, người dân buôn bán sinh sống hai bên đường có “lô cốt” chình ình chắn trước nhà còn khóc mười bởi kinh doanh ế ẩm, phải bù lỗ… Thế nên khi có người kiện “ông lô cốt”, nhiều người dân ủng hộ và muốn xem vụ kiện diễn biến thế nào để mình “noi gương”. 

Một hộ kinh doanh trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận có “lô cốt’ chắn ngang nhà ảnh hưởng kinh doanh cho biết cũng muốn kiện nhưng lại không rành về pháp lý. Luật sư Công khẳng định, các hộ dân khác hoàn toàn có thể kiện đòi quyền lợi nếu chứng minh được thiệt hại…

“Vụ kiện mới mẻ này sẽ tạo tiền lệ nên các hộ dân khác có thể chờ đợi kết quả cuối cùng để "định hướng" việc của mình. Luật quy định thời hiệu khởi kiện các loại vụ việc này là 2 năm kể từ khi quyền và lợi ích bị xâm hại nên họ còn nhiều thời gian cân nhắc” - luật sư Công nhấn mạnh.

Theo luật sư Công, vụ kiện trên là tranh chấp dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Kiện đòi bồi thường thiệt hại từ việc kinh doanh do “lô cốt” án ngữ là loại tranh chấp hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ nên bản thân người đi kiện và người bị kiện cũng chưa thể nắm bắt hết.

Do đó, việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này sẽ có nhiều quan điểm khác nhau thậm chí đối nghịch nhau.

Thái Phương