Nội luật hóa Công ước Cấm vũ khí hóa học

Thời gian qua, thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học, Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước quyết tâm chung tay góp phần kiểm soát chặt chẽ các hóa chất lưỡng dụng có khả năng sử dụng để sản xuất vũ khí hóa học.

Năm 1993, Việt Nam đã ký Công ước Cấm vũ khí hóa học và phê chuẩn Công ước vào tháng 8 năm 1998. Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên.

Lực lượng chức năng thu giữ bình khí gây cười không rõ nguồn gốc.

Cơ quan quốc gia Việt Nam (VNA) thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Khoản 4 Điều 2 Quyết định số 76/2002/QĐTTg giao nhiệm vụ cho Cơ quan quốc gia Việt Nam “nghiên cứu, đề xuất việc soạn thảo các văn bản pháp luật nhằm quy định hoặc hướng dẫn việc thực hiện công ước, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Để nội luật hóa Công ước Cấm vũ khí hóa học, ngày 03 tháng 8 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2005/NĐ-CP về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Sau 9 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 100/2005/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định số 38/2014/NĐCP.

Sau khi Nghị định số 38/2014/NĐ-CP được ban hành, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, các đơn vị có liên quan quán triệt, triển khai việc chấp hành, tuân thủ Nghị định số 38/2014/NĐ-CP, tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng chịu sự tác động của nghị định nhằm bảo đảm sự phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nâng cao hiệu quả quản lý các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06/5/2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Bộ Công Thương cho biết, Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (Công ước Cấm vũ khí hóa học) được mở ký ngày 13/01/1993 tại Paris và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/4/1997. 

Nội dung chính của Công ước Cấm vũ khí hóa học bao gồm các quy định như: Cấm các nước phát triển, sản xuất hoặc yêu cầu sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học; không được chuyển đổi trực tiếp hay gián tiếp vũ khí hóa học sang nước khác; không tham gia vào các chiến dịch quân sự có sử dụng chất độc hoá học; không tài trợ, khuyến khích hay xúi giục nước khác tham gia vào các hoạt động bị cấm theo Công ước Cấm vũ khí hóa học...

Nghị định số 38/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 06/5/2014 đến nay đã được gần 10 năm và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học. 

Việc thực hiện các quy định của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP là cơ sở pháp lý giúp Việt Nam quản lý được các hóa chất Bảng thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Thông qua số liệu nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng, các báo cáo của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất Bảng, các cơ sở sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác khai báo quốc gia hàng năm với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được chỉnh lý để hoàn thiện trong thời gian tới, cụ thể:

Các quy định về điều kiện sản xuất cơ sở hóa chất Bảng đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên các điều kiện đầu tư đặc thù cho các cơ sở sản xuất hóa chất Bảng được quy định tại Phụ lục kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học chưa quy định cụ thể và chưa thống nhất với Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật.

Hóa chất Bảng mang tính lưỡng dụng, không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất và được phân loại thành hóa chất Bảng 1 (hầu như không có ứng dụng trong hoạt động công nghiệp), hóa chất Bảng 2 (không có ứng dụng lớn trong ngành công nghiệp, chỉ được sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu), hóa chất Bảng 3 (là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng) theo mức độ độc tính giảm dần. 

Tính lưỡng dụng của các loại hóa chất Bảng đang đặt ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý sao cho vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa quản lý theo đúng mục đích của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Do đó, các quy định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học cần hoàn thiện để phù hợp với các quy định của Luật Hóa chất và phù hợp với Công ước.

Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP quy định quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng thông qua chế độ báo cáo chưa thực sự mang lại hiệu quả. Thực tế, hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng, chủ yếu là hóa chất Bảng 3 hiện đang diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn đến các hệ lụy về an ninh, an toàn hóa chất...

Với các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP là cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại cả về mặt pháp lý và thực tiễn, giúp công tác quản lý nhà nước về các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học ngày càng hiệu quả, giúp Việt Nam tuân thủ và thực thi trách nhiệm của mình trong thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Nâng cao hiệu quả quản lý các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; tăng cường cơ chế phối hợp trong việc thực thi Công ước Cấm vũ khí hóa học giữa các bộ, ngành.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV