Các chuyên gia CNTT hàng đầu đều nhất trí rằng, Internet của vạn vật (IoT) là một xu hướng đang phát triển nhanh vượt mọi kỳ vọng và không thể đảo ngược được. Cơ hội mà IoT mang lại cho các doanh nghiệp CNTT trong nước là "không giới hạn".

Chia sẻ tại Tọa đàm "Xu hướng ICT 2016" chiều 28/12, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT dẫn lại câu chuyện của một người bạn cho biết đã ứng dụng công nghệ cao vào việc nuôi tôm ở nông thôn ra sao để minh chứng cho nhận định: IoT đã vào Việt Nam "rất sâu", dù có thể không đình đám như người ta vẫn tưởng. "Sử dụng công nghệ của bạn tôi, nhiều hộ nuôi tôm ở nông thôn đã kiếm được tiền tỷ. Hệ thống này cho phép kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn - không thừa (sẽ khiến môi trường nước bị đục, tôm chết vì thiếu oxy) - không thiếu (năng suất không cao)", ông Bình cho hay.

{keywords}

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT.

Theo vị chuyên gia này, nếu IoT thực sự cất cánh thì sẽ ở một quy mô hoàn toàn khác với các công nghệ trước đây. Từng hộ gia đình đều sẽ là người tiêu thụ, từ giải pháp quản lý và tiết kiệm điện sử dụng cho đến bảo vệ an ninh gia đình...

"IoT không hề đòi hỏi phải hoành tráng mà chỉ cần một ứng dụng 5-10 người phát triển là được. Mà ở Việt Nam thì những nhóm 5-10 người kiểu này vô cùng nhiều", ông Bình nhấn mạnh.

Một yếu tố nữa khiến ông Trương Gia Bình tin rằng 2016 là thời điểm đặc biệt phù hợp để phát triển IoT là vì tinh thần khởi nghiệp trong nước đang lên rất cao. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước sang năm tới sẽ eo hẹp. "Nhà nước không có tiền đầu tư, chả lẽ đất nước, ngành CNTT của chúng ta đứng lại? Trong số những giải pháp thì IoT có thể huy động được nguồn tiền từ doanh nghiệp, người dân, thậm chí không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn có thể thu hút đầu tư từ nước ngoài".

{keywords}

Tổng giám đốc CMC Nguyễn Trung Chính.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc CMC Nguyễn Trung Chính khẳng định IoT không còn là xu thế trên lý thuyết nữa mà "đang xảy ra và đi vào rất sâu trong đời sống xã hội, mang đến cơ hội không giới hạn cho các doanh nghiệp công nghệ nội".

"Tôi có thể nhìn thấy IoT ở khắp mọi nơi. Bạn anh Trương Gia Bình nuôi tôm thì tôi cũng có người bạn nuôi cá Koi, cho cá ăn nhờ Internet, nhờ ứng dụng smartphone", ông Chính nói vui. Theo nhận định của ông, với một số ngành như ngân hàng hiện nay thì việc cạnh tranh bằng các ứng dụng, tiện ích Internet, di động đã trở thành không thể không có, "không thể đảo ngược".

Nhưng không dễ ăn!

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của BKAV thì dẫn lại hàng loạt số liệu của hãng nghiên cứu Gartner để minh chứng cho quan điểm "IoT không còn là xu hướng mà đã trở thành làn sóng" của mình. Theo đó, trong năm 2016, cả thế giới sẽ có khoảng 6,4 tỷ thiết bị kết nối Internet tham gia vào mạng IoT. Đến năm 2020, số lượng thiết bị kết nối Internet có thể tăng lên 20-21 tỷ, thị trường đạt doanh thu hơn 3000 tỷ USD - một con số khổng lồ.

{keywords}

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của BKAV

"Để phục vụ xu hướng này, BKAV đã phát triển điều hòa, đèn, hệ thống an ninh, giải trí, nhà thông minh... từ vài năm nay", ông Thắng cho hay. Tuy vậy, những công nghệ này chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam, rào cản về giá thành vẫn còn lớn. Thị trường Việt Nam chưa thực sự lớn, người dùng cũng dè dặt khi tiếp xúc với các công nghệ quá mới, vị đại diện BKAV thừa nhận.

Rất thẳng thắn, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng IoT là một xu hướng rõ nét, nhưng quản lý nhà nước còn duy ý chí, chưa thực sự chuyển đổi phù hợp với yêu cầu của xã hội. "Hạ tầng viễn thông của chúng ta đã đầy đủ, trên lý thuyết thì có thể làm được IoT. Nhưng thực tế là việc tạo điều kiện cho các ứng dụng trên hạ tầng đó thì vẫn rất chậm".

{keywords}

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam.

Một yếu tố nữa cần xét đến, theo vị chuyên gia kỳ cựu Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT chính là việc Việt Nam rất đông người dùng trẻ, với thời gian vào mạng Internet trung bình mỗi ngày rất nhiều (5,5 giờ) nhưng lại chưa tận dụng được hết sức mạnh của công nghệ.

Theo phân tích của ông Trực, môi trường sáng tạo và tinh thần tự do, độc lập của cá nhân ở Việt Nam - do cách thức giáo dục, văn hóa mang tính áp đặt - không cao. Chính vì thế mà văn hóa khởi nghiệp chưa mạnh. IoT là xu hướng đặc biệt phù hợp với khởi nghiệp, do đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần mạnh dạn hơn. "Các doanh nghiệp khởi nghiệp đừng nghĩ Chính phủ sẽ cấp tiền cho anh làm, hãy tự làm. Các quỹ đầu tư mạo hiểm phải do cá nhân bỏ tiền ra chứ đừng chờ đợi Chính phủ rót tiền. Việc của Chính phủ chỉ là tạo môi trường thuận lợi và bảo hiểm rủi ro mà thôi".

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân cơ chế quản lý trong nước còn nhiều hạn chế như chưa tạo nhiều điều kiện hỗ trợ, không ưu đãi về thuế.... sẽ khiến nhiều công ty khởi nghiệp đi tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, ông Trực cảnh báo.

T.C