Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam, ông Tề Trí Dũng giữ chức tổng giám đốc của công ty IPC - trực thuộc UBND TP.HCM - trong giai đoạn 2015-2018. Kể từ khi ông Dũng được bổ nhiệm làm CEO, kết quả kinh doanh của IPC liên tục đi xuống.
Báo cáo tài chính riêng của IPC cho thấy tổng doanh thu và lợi nhuận của công ty sụt giảm đáng kể trong thời gian ông Dũng nắm quyền điều hành cao nhất.
Các con số đều đi xuống
Từ tổng doanh thu 1.138 tỷ đồng năm 2015, IPC lần lượt ghi nhận chỉ tiêu này giảm xuống còn 952 tỷ đồng và 829 tỷ đồng trong 2 năm tiếp theo. Kết thúc năm 2018, tổng doanh thu của IPC tăng nhẹ trở lại lên mức 855 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận ròng của IPC giảm dần đều trong giai đoạn 2015-2018. Năm 2015, lãi sau thuế của IPC là 951 tỷ đồng, năm 2016 xuống 806 tỷ, năm 2017 là 695 tỷ và đến năm 2018 chỉ còn 666 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2015-2018, nợ phải trả của IPC lại tăng nhanh. Năm 2015, nợ phải trả của IPC chỉ là 205 tỷ đồng. Sau 3 năm, con số này đã tăng gần 5 lần lên mức 967 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu của IPC lại giảm hơn 15%, từ mức 5.145 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 4.346 tỷ đồng năm 2018.
Tháng 10/2018, thanh tra TP.HCM có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra tại IPC. Cuối tháng đó, UBND TP.HCM tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng ở IPC do liên quan đến các sai phạm mà công an đang điều tra.
Đến tối 14/5 vừa qua, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về hai tội danh Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Nhiều sai phạm
Trong thời gian ông Dũng làm tổng giám đốc, IPC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), khiến thất thoát tài sản Nhà nước hơn 153 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015 UBND TP.HCM yêu cầu IPC (lúc đó đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không cần phải giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại Sadeco khi công ty này mang về lợi nhuận rất cao.
Tuy nhiên, sau đó IPC lại biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28,8%. Sau phát hành cổ phiếu, Nguyễn Kim chiếm 34,6% vốn điều lệ Sadeco.
Trụ sở công ty IPC tại quận 7, TP.HCM. Ảnh: IPC. |
Thanh tra TP.HCM xác định vào tháng 9/2016, công ty Exim chuyển nhượng cổ phần của Sadeco cho Nguyễn Kim với giá 57.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng đến tháng 6/2017, Sadeco được chuyển nhượng cho Nguyễn Kim với giá chỉ 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ quan thanh tra tính toán trong thương vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu này, chỉ riêng phần chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu thì thiệt hại ít nhất đã là 153 tỷ đồng. Nếu tính luôn cả biến động giá đất tăng vào đầu năm 2017 ở khu Nam khi thành phố sốt đất thì số tiền thiệt hại còn nhiều hơn nữa.
Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì IPC và Sadeco tìm cách đối phó. Cụ thể, ngày 29/8/2018, Sadeco và Nguyễn Kim có biên bản làm việc với nội dung Nguyễn Kim sẽ hoàn trả tất cả 9 triệu cổ phần cho Sadeco. Ngày hôm sau, HĐQT Sadeco đã thông qua việc thu hồi cổ phần đã phát hành cho Nguyễn Kim.
Tuy nhiên, tại thời điểm lập báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 27/3, tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco vẫn chỉ là 28,8%.
Ngày 15/5, Công an TP.HCM cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco. Bà Phúc bị cáo buộc có hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Ngoài sai phạm tại Sadeco, ông Dũng còn liên quan đến các sai phạm ở một số vụ việc khác như tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hiệp Phước 1; dự án khu dân cư Long Hậu; hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách; sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC.
(Theo Zing)