Iran đã hoàn tất một vòng đàm phán "xây dựng" với cơ quan giám sát hạt nhân LHQ hôm qua và lên kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo.
Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân
Đối đầu Iran, Mỹ sẽ mạo hiểm quan hệ với Ấn Độ?
"Hội đàm giữa Iran và nhóm các thanh sát viên đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mang tính xây dựng và hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán", hãng thông tấn Fars dẫn nguồn tin giấu tên cho biết. Các thanh sát viên cấp cao LHQ đã tới Tehran hôm thứ bảy để hội đàm với các quan chức Iran xung quanh nghi vấn việc quốc gia Hồi giáo này theo đuổi vũ khí hạt nhân đồng thời cố gắng thúc đẩy các nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Ảnh: deskofbriana |
Giới ngoại giao phương Tây thường cáo buộc Iran đưa ra đề xuất hội đàm như một chiến thuật trì hoãn trong khi thúc đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình và bày tỏ nghi ngờ trước việc Tehran thực thi những hợp tác cụ thể với IAEA.
Một nhà sản xuất dầu cho biết, Iran có thể có những nhượng bộ trong giới hạn và minh bạch với nỗ lực xoa dịu áp lực quốc tế. Nhưng dường như đó không phải là sự hợp tác đầy đủ mà cơ quan LHQ yêu cầu. Kênh truyền hình al Alam của Iran dẫn lời một quan chức nước này nói rằng, "chỉ có các vấn đề kỹ thuật và pháp lý được thảo luận trong hội đàm" hôm thứ ba, và nhấn mạnh đội thanh sát không đi thăm bất kỳ cơ sở hạt nhân nào.
Hãng thông tấn ISNA đưa tin, một số sinh viên Iran còn tập trung ở phía trước toà nhà Tổ chức Năng lượng nguyên tử của nước này để phản đối chuyến thăm của các thanh sát viên IAEA. Căng thẳng đã gia tăng khi Washington và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Iran để buộc Tehran cung cấp nhiều thông tin hơn về chương trình hạt nhân. Các biện pháp đưa ra trực tiếp nhằm vào khả năng bán dầu thô của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong OPEC.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí sử dụng lệnh cấm vận với dầu Iran vào tháng 7 và phong tỏa các tài khoản của ngân hàng trung ương Iran. Động thái này diễn ra như một sự phối hợp với Mỹ trong hàng loạt biện pháp mới để làm chệch hướng chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.
Iran đã bác bỏ lệnh trừng phạt của ẸU và coi đó là "chiến tranh tâm lý", đồng thời đe dọa cắt giảm xuất khẩu dầu sang các nước châu Âu trước ngày 1/7 khi các biện pháp trừng phạt được thực thi đầy đủ. Các quan chức Iran cũng đã nhiều lần phớt lờ ảnh hưởng của lệnh cấm vận, và tuyên bố quốc gia Hồi giáo phản ứng bằng cách ngày càng trở nên tự lực cánh sinh hơn.
EU chiếm khoảng 25% doanh số bán dầu thô của Iran trong quý ba năm 2011. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thị trường dầu toàn cầu sẽ không bị phá vỡ hoàn toàn nếu quốc hội Iran bỏ phiếu ngừng bán dầu sang châu Âu. Khả năng đảo lộn thị trường cũng như nguy cơ đe dọa an ninh toàn cầu xảy ra khi bất đồng giữa Iran và phương Tây leo thang thành xung đột quân sự.
Iran nhiều lần tuyên bố có thể đóng cửa tuyến vận chuyển dầu quan trọng qua eo biển Hormuz nếu bị ngăn chặn xuất khẩu dầu thô.
Thái An (theo PA, Reuters)