Hãng tin Reuters ngày 2/11 dẫn nguồn tin từ Ủy ban điều tra của Ai Cập cho biết, chiếc máy bay Nga gặp nạn hôm 31/10 không bị tấn công từ bên ngoài.
Nguồn tin nói, kết quả sơ bộ phân tích hộp đen khẳng định máy bay không bị tấn công từ ngoài và phi công không phát tín hiệu nguy hiểm trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Cùng ngày, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ cũng nói không có "bằng chứng trực tiếp" liên quan tới khủng bố trong vụ tai nạn.
Tuy nhiên, phát biểu trước các nhà báo hôm 2/11, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói rằng Moscow không có lý do để loại trừ bất kì nguyên nhân nào có thể khiến chiếc máy bay bị rơi ở Sinai, Ai Cập.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra về nguyên nhân nào khiến chiếc máy bay chở 224 người của Nga gặp nạn ở Sinai, Ai Cập. Trong ảnh là tượng đài bằng cát do một nghệ sỹ Ấn Độ xây dựng nhằm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. (Ảnh: FB) |
Đây là câu trả lời của phát ngôn viên Điện Kremlin đối với câu hỏi của phóng viên về việc liệu khủng bố có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn hôm 31/10 hay không. Theo ông Peskov, mọi khả năng đều có thể xảy ra, do tới thời điểm này vẫn chưa tìm được bất kì đầu mối nào về nguyên nhân khiến chiếc máy bay gặp nạn.
Vụ tai nạn máy bay hôm 31/10 đã khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng. Thi thể các nạn nhân và các mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy trên một khu vực rộng 20km2 ở bán đảo Sina của Ai Cập.
Hôm 1/11, ông Viktor Sorochenko, Chủ tịch Ủy ban Hàng không liên bang Nga - cơ quan cấp cao nhất của Nga phụ trách điều tra các tai nạn hàng không, cho biết chiếc Airbus mang số hiệu KGL-9268 bị vỡ trước khi rơi xuống đất. "Máy bay đã bị vỡ trên không trung và các mảnh vỡ rơi rải rác trên một khu vực rộng".
Theo ông này, hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguyên nhân của vụ tai nạn. Tuy nhiên, tuyên bố của ông về việc máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh ngay từ trên không trung, cùng với phát biểu không loại trừ bất cứ lý do nào của phát ngôn viên Điện Kremlin đã khiến nhiều người thêm hoài nghi về giả thiết "khủng bố".
Không lâu sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhóm phiến quân "Tiểu vương Sinai", chi nhánh địa phương tại Ai Cập của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã lên tiếng nhận trách nhiệm bắn rơi chiếc máy bay Nga. Để minh chứng cho tuyên bố của mình, nhóm phiến quân còn công bố cả một đoạn phim về vụ việc.
Video này chưa được xác minh, nhưng theo nhiều chuyên gia an ninh, hàng không, khó có khả năng nhóm "Tiểu vương Sinai" làm được như vậy. "IS và các nhóm liên kết không có khả năng hạ máy bay ở độ cao khoảng 10.000m như chiếc phi cơ này", cựu nhân viên chống khủng bố Anh - Charles Shoebridge tuyên bố.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng IS sử dụng các biện pháp khác để gây nổ trên máy bay và dẫn tới vụ tai nạn. Yves Trotignon, cựu nhân viên tình báo Pháp, đưa ra nhận định rằng "bạn có thể nghĩ đến khả năng chất nổ được cài trên khoang, hoặc có hành vi phá hoại" tại sân bay trước khi cất cánh.
Chuyên gia hàng không Michel Polacco cũng cho rằng, "việc máy bay vỡ tung trên bầu trời tạo ra các mảnh vỡ, chỉ có thể là do một cấu trúc của máy bay bị nổ”. "Có thể do trục trặc kỹ thuật, song điều này ít xảy ra. Điều này dẫn tới khả năng máy bay bị khủng bố. Chỉ có một quả bom mới gây ra tác động kiểu như vậy".
Giáo sư Michael Clarke, Tổng giám đốc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhấn mạnh ông tin vào giả thiết phi cơ Nga nổ tung trên trời do một quả bom hơn là bị bắn hạ bởi tên lửa hoặc trục trặc động cơ.
"Nếu máy bay trục trặc động cơ, bị cháy hay bị một tai nạn tương tự, thì phải có những cuộc gọi khẩn cấp được phát đi. Tuy nhiên, không có bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào được phát đi. Do đó, thực tế chiếc máy bay vỡ làm đôi ở độ cao 9.448m gợi cho tôi nghĩ về một vụ nổ trong khoang", ông Michael Clarke bình luận.
Hãng hàng không Kogalymavia, đơn vị vận hành chiếc máy bay, cũng nhiều lần khẳng định cả hai động cơ của chiếc Airbus A-321 đã được kiểm tra tại Moscow vào hôm 26/10 và không có vấn đề gì. Phi hành đoàn cũng không có bất kỳ sự liên lạc nào với mặt đất về những vấn đề của máy bay trong suốt quá trình bay.
Phó giám đốc hãng Alexander Smirnov nói, máy bay không gặp bất cứ trục trặc kỹ thuật nào, mà “có thể chịu tác động từ bên ngoài trong khi bay”. Theo ông, phi cơ gãy đôi và vỡ thành nhiều mảnh trên trời, còn phi công không hề liên lạc với kiểm soát không lưu. Đây là điều không thể nếu như phi cơ gặp sự cố kỹ thuật.
Trên thực tế, việc Nga tiến hành không kích các mục tiêu của IS ở Syria, đang dẫn tới nhiều nguy cơ nước này bị trả thù bởi những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố. Hôm 2/11, mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã kêu gọi các tín đồ Hồi giáo liên kết lại để đối phó với Nga, Iran, phương Tây, và các lực lượng hậu thuẫn địa phương.
Trong đoạn ghi âm công bố ngày 2/11, thủ lĩnh al-Qaeda nói rằng Mỹ, Nga, Iran và Hezbollah đang phối hợp trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo cực đoan như IS. Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố khét tiếng đã kêu gọi các nhóm Hồi giáo cực đoan dừng chiến đấu chống nhau, để cùng nỗ lực tấn công mục tiêu chung.
Thanh Vân