- Luôn nằm trong top những quốc gia "sạch" nhất thế giới, nhưng người Thụy Điển chỉ dám nghĩ mình là "bệnh nhân ít ốm nhất".

PGS.TS. Gissur Erlingsson của ĐH Tổng hợp Linköping chuyên nghiên cứu về chính trị trong nước, đã viết một nghiên cứu về nhận thức của người Thụy Điển đối với tình trạng tham nhũng trong khu vực hành chính công.

Theo xếp hạng cảm nhận tham nhũng năm 2013 của tổ chức Minh bạch quốc tế, Thụy Điển đồng hạng ba. Kể từ khi xếp hạng này bắt đầu thực hiện năm 1995, Thụy Điển chưa bao giờ ra khỏi top 6.

{keywords}

Thụy Điển duy trì vị trí cao trong bảng xếp hạng năm nay. Nguồn: TI

Nhưng theo ông Erlingsson, như thế không phải là "khỏe" mà chỉ là "ít ốm". Vì nếu cũng tính là đánh giá từ bên ngoài, thì Nhóm quốc gia chống tham nhũng (GRECO), một tổ chức do Liên minh châu Âu (EU) thành lập, lại chỉ ra người Thụy Điển có phần thua kém trong việc "sẵn sàng tố cáo tham nhũng".

Qua khảo sát để phục vụ nghiên cứu của mình, ông Erlingsson thấy chỉ 1/10 người Thụy Điển nghĩ rằng tham nhũng không tồn tại ở nước mình, 9/10 người thừa nhận có quan hệ cá nhân thì làm việc với cơ quan công quyền trôi chảy hơn, 2/10 người không tin tưởng vào sự trung thực của các công chức...

Theo nhà nghiên cứu Thụy Điển, bức tranh về tham nhũng sẽ không đầy đủ nếu đánh đồng tham nhũng là hối lộ: "Phải định nghĩa tham nhũng là sự hành xử trái đạo đức và lạm dụng quyền lực - bất cứ việc làm thiếu khách quan nào của những người trong khu vực công để dẫn đến sự thiên vị và vụ lợi cá nhân".

Nếu xét như thế thì Thụy Điển không phải là không có tham nhũng, hay theo cách nói của một chuyên viên truyền thông của Chính phủ Thụy Điển - "Chúng tôi không phải là thiên thần".

Điển hình là câu chuyện năm 1995 của Mona Sahlin, môt nữ chính trị gia đầy hứa hẹn, bị phát hiện xài tiền định mức công vụ để làm việc riêng như mua sắm lặt vặt, thuê xe... Dù không bị kết tội nhưng bà Sahlin đã phải rất chật vật để quay lại chính trường sau vụ vụ bê bối này.

Tham nhũng ở Thụy Điển cũng có ở cấp địa phương như nhiều nước khác, trong khi chính quyền trung ương nổi tiếng là hoạt động vô cùng hiệu quả, đem lại hệ thống an sinh xã hội hàng đầu thế giới.

"Chức năng của chính quyền địa phương, như quy hoạch, cấp phép, thanh kiểm tra, mua sắm và dịch vụ công, là những việc rất dễ bị méo mó, đồng thời ít được truyền thông hay kiểm toán giám sát so với chính quyền trung ương", nhà nghiên cứu chỉ ra trong số 500 tỷ krona Thụy Điển (khoảng 77 tỷ USD) mua sắm công hàng năm thì có 1/5 là không qua đấu thầu minh bạch.

Do đó, dù mức độ rất khiêm tốn so với phần còn lại của thế giới, tham nhũng ở những quốc gia phát triển như Thụy Điển vẫn là vấn đề đáng lưu tâm, vì những tác động tiêu cực của nó đối với xã hội.

"Nó làm lệch lạc sự cạnh tranh, khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư và cản trở việc kinh doanh", ông Erlingsson nói. "Hơn thế, tham nhũng đe dọa nguyên tắc pháp quyền, làm giảm lòng tin vào các cơ quan công quyền. Cuối cùng là làm tổn hại đến sự phát triển của cả nền kinh tế lẫn nền dân chủ".

Vì vậy, việc ngày càng nhiều người Thụy Điển nhận định rằng có tham nhũng ở đất nước mình, là một việc tốt, theo nhà nghiên cứu: "Không nhìn nhận đúng về bản chất của tham nhũng thì rất khó ngăn chặn và đấu tranh".

{keywords}

Ông Gissur Erlingsson: Thụy Điển không "khỏe", chỉ là "ít ốm". Ảnh: Website ĐH Linköping

PGS,TS. Erlingsson đề ra cho đất nước hai biện pháp phòng chống tham nhũng. Một là buộc các chính trị gia và quan chức nhớ rõ và tuân thủ những nguyên tắc và giá trị của bộ máy công quyền. Thứ hai là tăng cường minh bạch, tạo ra những khuôn khổ pháp lý để không một hành vi tham nhũng nào có thể được che giấu.

"Một chính trị gia dù trung thực đến đâu, nhưng nếu không có thường trực nỗi sợ bị phát giác thì họ không thể trong sạch mãi được", nhà nghiên cứu Thụy Điển khẳng định.

Ông Erlingsson cho rằng những giải pháp như người dân giám sát việc mua sắm công, đánh giá ngẫu nhiên các chính quyền dân cử địa phương hay kiểm toán độc lập, đều không quá tốn kém mà không chỉ một quốc gia tiến bộ như Thụy Điển, mà trong thời đại công nghệ thông tin phát triển ngày nay, nước nào cũng có thể áp dụng.

Chung Hoàng