Sau 24 năm sống trong hệ thống Ivy League – học đại học, lấy bằng tiến sĩ ở Columbia, giảng dạy 10 năm ở Yale, William Deresiewicz bắt đầu nghĩ về những gì mà hệ thống này đang làm với bọn trẻ. Bài viết của vị GS ĐH Yale này với tựa đề "Đừng gửi bọn trẻ của bạn tới các trường Ivy League" đưa ra một góc nhìn khác về một xu hướng du học đang thịnh hành.

Mùa xuân năm 2008, tôi có một ngày ngồi trong phòng tuyển sinh của Yale. Chúng tôi có 3 người, trong đó có một người ở văn phòng hiệu trưởng và tôi là đại diện của đội ngũ giảng viên.

Chúng tôi xét duyệt những hồ sơ tới từ miền đông Pennsylvania. Các ứng viên được chấm điểm từ 1 tới 4 - tính toán từ một đống số liệu và mật mã – SAT, GPA, thứ hạng trong lớp, điểm số cho tới thư giới thiệu. Điều kiện tài chính và lý lịch đa dạng sẽ được chuyển đổi thành những ký hiệu đặc biệt.
{keywords}


Các ứng viên số 1 là chắc chắn được nhận, số 3 và số 4 thì chỉ có thể được nhận nếu có những điều kiện đặc biệt như: vận động viên cấp quốc gia, hoặc là “DevA” – nghĩa là con của các nhà tài trợ lớn của trường. Nhiệm vụ của chúng tôi ngày hôm đó là cân nhắc đám ứng viên số 2.

Một nhân viên trẻ khoảng 30 tuổi chịu trách nhiệm mô tả hồ sơ cho chúng tôi nghe bằng một loạt những thuật ngữ mà tôi phải chật vật mới hiểu nổi. “Máy tốt” – một bảng điểm xuất sắc. “Ed level 1” – cha mẹ có trình độ học vấn không vượt quá bằng phổ thông, ý chỉ một trường hợp thực sự khó khăn. “MUSD” – nhạc công triển vọng. Những ứng viên có 5-6 gạch đầu dòng trong danh sách hoạt động ngoại khóa - gọi là “brag” – gặp rắc rối lớn, vì như vậy là chưa đủ. Chúng tôi lắng nghe, đặt câu hỏi, đọc thư giới thiệu, sau đó biểu quyết.

Với quá nhiều ứng viên tài năng, chúng tôi phải tìm ra những ứng viên có gì đó đặc biệt. “PQ” – những ứng viên có cá tính riêng – thường được tiết lộ trong thư giới thiệu hoặc trong bài luận. Hồ sơ nào chỉ có những con số và lý lịch thường bị từ chối với lý do “không có gì đặc biệt”, hay “không phải người có thể làm việc nhóm”. Một ứng viên với một đống hoạt động ngoại khóa và có tới 9 bức thư giới thiệu bị đánh giá là “quá căng thẳng”. Mặt khác, những con số và lý lịch đẹp rõ ràng là không thể thiếu. Hồ sơ thành công được cho là phải “tròn” hoặc “nhọn” – nghĩa là nổi bật theo một cách nào đó. Nhưng nếu “nhọn” thì phải thực sự “nhọn”, ví dụ như một nhạc sĩ có đĩa thu âm khiến bộ phận âm nhạc ấn tượng, hay một nhà khoa học đạt giải thưởng quốc gia.

“Siêu nhân” – biệt danh mà tác giả James Atlas ám chỉ sinh viên của các trường danh giá. Điểm cao, chơi thể thao, chơi nhạc cụ, nói được vài ngoại ngữ, tham gia tình nguyện ở một ngóc ngách xa xôi nào đó trên quả địa cầu, có vài sở thích: họ xuất sắc ở tất cả mọi thứ, cộng với sự tự tin đến bình thản khiến bất cứ ai cũng phải nể phục.

Người bạn đang dạy ở một trường top đầu của tôi từng yêu cầu sinh viên nhớ 30 dòng thơ của Alexander Pope thế kỷ 18. Gần như, tất cả học sinh trong lớp đều đọc chính xác từng dòng.

Những đứa trẻ tuyệt vời này có vẻ như đã chiến thắng cuộc đua mà chúng ta tạo ra từ thời thơ ấu. Nhưng thực tế lại rất khác khi tôi từng chứng kiến nhiều học trò của mình và nghe kể về hàng trăm người trẻ mà tôi từng tiếp xúc trên giảng đường. Hệ thống giáo dục tinh hoa của chúng ta đang sản xuất ra những người trẻ thông minh, tài năng, triển vọng, nhưng lo lắng, rụt rè, lạc lối, thiếu tò mò và ý thức mục tiêu bị kìm hãm: mắc kẹt trong bong bóng đặc quyền, có xu hướng vâng lời, xuất sắc trong những thứ họ đang làm nhưng không biết tại sao mình lại làm những thứ đó.

Khi tôi nói về giáo dục tinh hoa, ý tôi muốn nói đến những trường danh giá như Harvard, Stanford hay William cũng như các trường danh giá hạng 2, nhưng ý tôi cũng muốn nói đến những thứ như trường phổ thông tư nhân của con nhà giàu, ngành công nghiệp gia sư và các khóa ôn luyện cho các bài thi chuẩn hóa đang mọc lên như nấm, bản thân quá trình tuyển sinh… - những thứ “ngồi” chình ình giữa lối vào giai đoạn trưởng thành, những trường đại học tên tuổi, cơ hội việc làm tới từ tấm bằng cử nhân, phụ huynh và cộng đồng, tầng lớp trung lưu – những người đẩy con cái mình vào dạ dày của cỗ máy này. Tóm lại là toàn bộ hệ thống giáo dục tinh hoa của chúng ta.

Tôi phải thừa nhận rằng mình cũng là người trong cuộc. Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi bước vào đại học như một kẻ mộng du. Bạn chọn một nơi danh giá nhận bạn, phía trước là những mục tiêu được hiểu một cách mơ hồ: địa vị, tài sản – tương đương với “thành công”. Sau 24 năm sống trong hệ thống Ivy League – học đại học, lấy bằng tiến sĩ ở Columbia, giảng dạy 10 năm ở Yale, tôi bắt đầu nghĩ về những gì mà hệ thống này đang làm với bọn trẻ, và cách mà chúng thoát khỏi nó, những gì mà nó làm với xã hội chúng ta và cách mà chúng ta có thể gỡ bỏ nó.

Một cô gái từng nói với tôi điều này về cậu bạn trai học Yale của cô ấy:

Trước khi vào đại học, anh ấy dành hầu hết thời gian để đọc và viết những câu truyện ngắn. Ba năm sau, anh ấy trở nên lo lắng một cách trầm trọng về những thứ mà đám bạn học trường công của anh ấy chưa từng phải nghĩ tới, những chuyện như ăn trưa một mình, hay anh ấy có “kết nối” đủ không. Chẳng ai ngoài tôi biết rằng anh ấy giả vờ là một người đọc nhiều bằng cách lướt qua chương đầu tiên và chương cuối cùng của bất kỳ cuốn sách nào mà anh ấy từng nghe đến, rồi gặm nhấm những bài đánh giá sách đầy ám ảnh. Anh ấy làm việc này không phải vì anh ấy không tò mò, mà vì xã hội coi trọng khả năng nói về những cuốn sách hơn là thực sự đọc chúng.

Tôi từng được dạy nhiều người trẻ tuyệt vời trong suốt những năm ở Ivy League – những đứa trẻ thông minh, chu đáo, sáng tạo, rất dễ chịu khi nói chuyện và được học hỏi từ chúng. Nhưng hầu hết hài lòng với việc tô màu những dòng kẻ mà hệ thống giáo dục đã vẽ sẵn cho chúng. Rất ít người có đam mê với những ý tưởng. Rất ít xem đại học như một phần của một dự án khám phá tri thức và phát triển lớn hơn. Ai cũng ăn mặc như thể đang sẵn sàng nhảy vào một cuộc phỏng vấn bất cứ lúc nào.

Hãy nhìn sâu bên trong vẻ ngoài của sự hoàn hảo không tì vết này. Thứ mà bạn thấy là sự sợ hãi, lo lắng, trầm cảm về sự trống rỗng, không mục tiêu, và sự cô lập, đến mức độc hại. Một khảo sát trên quy mô lớn mà đối tượng là các sinh viên năm nhất được thực hiện mới đây cho thấy mức độ hạnh phúc (tự đánh giá) của họ đang rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 25 năm qua.

Các tiêu chí tuyển sinh hiện nay cực đoan đến mức những đứa trẻ nỗ lực để vào được trường danh giá không bao giờ có bất cứ trải nghiệm nào khác ngoài thành công.

Viễn cảnh không thành công khiến chúng hoảng sợ và mất phương hướng. Cái giá của sự thất bại, mặc dù chỉ là tạm thời, không chỉ trở thành vấn đề thực tiễn, mà còn trở thành vấn đề sống còn. Từ đó dẫn đến sự ác cảm với thất bại đến mức họ có thể mạo hiểm. Bạn không có phương án dự trù cho việc mắc sai lầm nên bạn tránh mắc sai lầm.

Có lần một sinh viên ở Pomona từng nói với tôi rằng cô ấy muốn có cơ hội để nghĩ về những thứ mà mình đang học, nhưng cô ấy không có thời gian. Tôi hỏi rằng liệu cô ấy đã từng xem xét tới việc không cố gắng để đạt điểm A bao giờ chưa. Cô ấy nhìn như thể tôi vừa đưa ra một lời đề nghị khiếm nhã. 

Tất nhiên cũng có những ngoại lệ - là những đứa trẻ luôn cố gắng để có được nền giáo dục thực sự. Nhưng những trải nghiệm của chúng thường khiến chúng cảm thấy mình giống như quái vật. Một sinh viên từng kể với tôi về một người bạn của cô ấy – người đã bỏ Yale vì thấy rằng ngôi trường này “đang bóp nghẹt thứ mà bạn gọi là tâm hồn”.

(Còn tiếp)

Xem phần 2

  • Nguyễn Thảo (Theo New Republic) 

Tác giả William Deresiewicz có một trong những cuốn sách gây tiếng vang là “Excellent Sheep: The Miseducation of the American Elite and the Way to a Meaningful Life” xuất bản năm 2014.