Chủ tịch Alibaba đã có mặt tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc tuần này để đề nghị phạt những người buôn hàng giả thật nặng, tương tự tài xế say xỉn. Trong lá thư công khai đăng trên Weibo, ông Ma nói pháp luật đã quá dễ dãi và nhà chức trách nên tăng án tù lên mức tối đa cũng như các khoản phạt khác nhằm chống lại tệ nạn buôn hàng giả.

Alibaba thường xuyên bị các nhãn hàng toàn cầu tố cáo chưa làm đủ để ngăn chặn hàng giả trên nền tảng. Thậm chí, công ty còn bị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ gắn mác “chợ hàng nhái khét tiếng” vào năm 2016, chỉ 4 năm sau khi thoát khỏi “danh hiệu” này. Danh sách bao gồm trang chia sẻ torrent Pirate Bay và chợ giời từ Brazil đến Nigeria.

“Chúng ta cần chống hàng giả như cách chống lái xe say rượu. Không ai có thể làm một mình. Luật hiện hành quá trì trệ, không trừng phạt thực sự hành vi của những kẻ buôn hàng giả và để lại quá nhiều khoảng trống cho sự lừa đảo”, thư viết.

Giành được niềm tin từ các nhãn hàng quốc tế là chìa khóa trong tham vọng mở rộng thị trường toàn cầu của ông Ma. Tuy nhiên, Alibaba vẫn bị tố cáo vì không thiện chí hay không có khả năng loại bỏ hàng giả khỏi các nền tảng của công ty và bị kiện năm 2015. Gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc phản bác lại bằng cách nói đã làm mọi cách có thể để chống hàng giả. Công ty xóa 380 triệu danh mục sản phẩm và đóng cửa khoảng 180.000 cửa hàng trên Taobao trong 12 tháng, tính đến tháng 8/2016.

Trong bài hùng biện tuần này của mình, ông Ma cho rằng nhà chức trách “nói nhiều, làm ít” trong cuộc chiến chống hàng giả, thứ ông so sánh với sương mù nguy hiểm đang bao phủ Bắc Kinh và các thành phố khác trên đất nước.

Theo Cao Lei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu TMĐT Trung Quốc, nhận định Alibaba đang muốn chuyển gánh nặng lên các nhà lập pháp và hi vọng tạo ra một số thay đổi trong hệ thống pháp lý. Họ muốn dùng một số trường hợp để “rung cây dọa khỉ”.

Ông Ma cho rằng các luật lỗi thời - chẳng hạn xóa bỏ trách nhiệm hình sự đối với các nhà sản xuất hàng giả với các món hàng giá trị chưa đến 50.000 nhân dân tệ (khoảng 164 triệu đồng) - khiến nỗ lực riêng của Alibaba trở nên vô ích. Chưa tới 10% những vụ công ty cung cấp cho nhà chức trách được truy tố thành công.

“Thực tế này chỉ khuyến khích nhiều người sản xuất và bán hàng giả hơn”, nhà sáng lập Alibaba nói.