1. Lựa chọn thiết bị phù hợp
Trước hết bạn phải tự nhắc mình rằng vui thôi đừng vui quá, mà đã vui thì mọi người cùng vui chứ không vui một mình mà để buồn cho lối xóm xung quanh. Vì thế, nên cân nhắc lựa chọn thiết bị karaoke phù hợp với không gian ca hát của bạn.
Thiết bị nhỏ gọn có thể hát karaoke và không làm phiền nhiều người - Ảnh: H.Đ |
Nhẹ nhàng và hợp túi tiền nhất là sắm micro kèm loa để hát karaoke bởi thiết bị này có công suất vừa đủ nghe trong không gian hạn chế chứ không ồn ào tới mức như “dội bom” sang nhà kế bên.
Nếu cần âm thanh “đã tai” hơn, thì bạn có thể cân nhắc đến những loại loa kéo di động với công suất phù hợp với không gian cá nhân của mình, đừng bắt hàng xóm phải bất đắc dĩ thưởng thức giọng oanh vàng của mình.
Và nếu như đã lỡ mua thiết bị có công suất âm thanh lớn như dàn karaoke với hệ thống loa 5.1, 7.1 đồ sộ thì nên lưu ý điều chỉnh mức âm lượng vừa đủ nghe để mọi người, kể cả ông hàng xóm của bạn, đều vui vẻ tránh khiến cho những người già, trẻ nhỏ giật mình, đau tim hay ảnh hưởng đến thính giác và sức khỏe của chính bạn.
2. Chọn địa điểm hát
Về địa điểm, bạn có thể chọn karaoke ở trong phòng kín với độ cách âm mức khá. Dĩ nhiên việc cách âm không “pờ rồ” bằng các phòng karaoke chuyên nghiệp vốn có thiết kế chuyên dụng nhưng việc chọn gian phòng kín, có máy lạnh càng tốt, sẽ giúp âm thanh phát ra trở nên tập trung, sôi động, không bị tiêu tán vừa tăng thêm phần hứng khởi cho hoạt động ca hát vừa ít gây phiền nhiễu cho những người xung quanh.
Vào phòng kín hoặc ra quán karaoke sẽ thoả sức ca hát mà không làm phiền ai - Ảnh: H.Đ |
Nếu hát karaoke ở địa điểm ngoài trời thì cũng nên chọn nơi hát thoáng đãng, vắng vẻ một chút càng tốt vì đây là không gian công cộng nên bạn cần “giữ mình” hơn vì những người xung quanh có thể là người quen hoặc cũng có thể hoàn toàn xa lạ.
3. Chọn thời điểm hát
Nên tránh cất giọng oanh vàng karaoke của mình vào những khung giờ phổ biến mà mọi người đang nghỉ ngơi như tầm 12 giờ trưa hay sau 22 giờ đêm để tránh phiền hà lối xóm và không khéo thì sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vì gây tiếng ồn quá mức cho phép.
Tốt nhất nên ưu tiên hình thức giải trí thú vị này vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết để mọi người xung quanh vui vẻ chấp nhận và hưởng ứng thay vì khó chịu.
Tần suất hát hò cũng là điều nên chú ý tiếp theo bởi vì dù giọng ca của bạn có hay đến cỡ nào thì cũng không nên ép mọi người phải sống chung “ô nhiễm tiếng ồn” hầu như mỗi ngày và nhiều giờ trong ngày.
4. Mọi người đều hát
Để tránh gây phiền hà cho lối xóm, cách tốt nhất là bạn nên mời những người hàng xóm lân cận qua hát chung với mình.
Có thể tận dụng hoạt động karaoke để khuyến khích mọi người, hàng xóm xung quanh cùng tham gia để thắt chặt thêm mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Khi bạn ca hát nếu có thêm nhiều khán giả thì cuộc vui sẽ tăng thêm phần sôi nổi, ý nghĩa hơn.
Và sẽ không ai phiền trách bạn karaoke gây ồn ào nếu như họ cũng là một trong những “ca sĩ” của cuộc vui đó.
5. Chú ý cách hát
Cũng nên chú ý vào cách hát nhẹ nhàng, mà sâu lắng, êm tai dễ chịu chứ đừng gào thét quá mức – có thể gây hại cho cổ họng, thanh quản - và đôi khi tiếng nhạc còn át cả tiếng hát thì ai mà chịu đựng được.
Nếu tiện thì có thể chịu khó xem lại cơ bản về nhạc lý, chịu khó nghe ca sĩ hát để cảm âm tốt hơn, bắt chước theo nhịp điệu của họ để không hát đâm hơi hoặc chọn tông quá cao hoặc thấp quá mức như “tra tấn”, gây bức bối cho chính những khán giả bất đắc dĩ.
Hoạt động ca hát chắc chắn sẽ gây tiếng ồn, nếu đã ồn ào thì cũng nên cố gắng mang đế những giai điệu và giọng hát dễ chịu, dễ chấp nhận hơn là bạn cứ liên tục phát ra âm thanh chói tai càng dễ gây bức xúc hơn.
6. Nghiêm túc tuân thủ quy ước chung
Nếu khu dân cư, thôn, xóm… nơi bạn ở đã có quy định sẵn về việc hát karaoke từ khung giờ, âm lượng, thời lượng hát… thì hãy nên tuân thủ theo những điều đó để tránh bị “phản đòn” ngược lại từ những giọng ca vàng khác trong xóm hoặc bị mọi người phê bình, tẩy chay thậm chí dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Rõ ràng, mục đích karaoke là vui vẻ cũng nên có chừng mực, vui thôi đừng vui quá, vui quá thì sẽ mất vui.
7. Biết người, biết ta… ca hát không phiền
Trước khi tổ chức buổi ca hát nào, tốt nhất ta nên nắm tình hình của hàng xóm xem thử có ai đang mệt, không khỏe hay có trẻ nhỏ nào hay quấy khóc, người già bị mệt nếu gặp phải tiếng ồn hay không.
Cũng nên nắm bắt khung giờ nghỉ ngơi, kể cả tính tình của những người hàng xóm để tránh gây phiền lòng họ hay tạo ra xích mích lớn từ chuyện karaoke lẽ ra hết thảy mang đến niềm vui.